Tuesday 30 December 2014

AKHAR THRAH TRUYỀN THỐNG VÀ AKHAR THRAH PHỔ THÔNG TUY HAI MÀ MỘT

1.     Lời mở:
Trước tiên tôi xin minh định lại rằng Akhar thrah phổ thông (ATPT) không phải là sản phẩm của tôi - Tiến Sĩ Quãng Đại Cẩn. Đó là thành quả của tiền nhân Chăm. Họ đã bỏ công nghiên cứu, hội thảo và thẩm định trong một thời gian dài để chuẩn hóa và ra sách cho học sinh cấp một học và hiểu một cách trong sáng và dễ dàng. Nhiệm vụ của tôi là thẩm định lại hai điều: (1) Ban Biên Soạn Sách Chữ Cham (BBS) có chế tạo ký tự mới hay không? (2) Học ATPT có đọc được ATTT hay không?
2. BBS có chế tạo ký tự mới hay không?
Những bằng chứng tôi đưa ra có được chấp nhận hay không đó là quan niệm và nhận định của mỗi người. Nhiệm vụ của tôi là chứng minh rằng những quy luật chính tả của BBS đã được tiền nhân Chăm sử dụng trước cả trăm năm hoặc ít nhất là trước khi BBS ra đời. BBS thấy hay và phù hợp cho học sinh nên chọn. Rồi hội thảo, rồi thẩm định, và dùng trong trường tiểu học. Đặc biệt những từ và cách viết trong Từ điển Cham Francais AC, 1906. Không phải tác giả trong từ điển AC sai, mà là họ đã làm một cách khoa học là ghi lại toàn bộ sự khác biệt, đó là cái quý nhất của AC - chấp nhận sự khác biệt. Lấy cơ sở nào nói là đúng hay sai? AC là một cuốn từ điển tư liệu, ghi lại mọi từ, mọi cách viết dựa vào nhiều văn bản cổ. Khi được đưa vào từ điển chứng tỏ đã có nhiều người sử dụng.
Trong khoa học làm sao biết được nhiều người là đúng và ít người là sai? Khi Galileo chứng minh trái đất hình tròn và quay quanh mặt trời chứ trái đất không phải là trung tâm vũ trụ, thì toàn bộ người thời ấy chưa biết. Nhưng cuối cùng thì chỉ có Galileo là đúng. Cũng như bây giờ nhiều giáo viên và học sinh đang sử dụng ATPT nhưng chắc gì anh Karim và Dharma sai? Cái mà tôi muốn chứng minh ở đây là BBS không chế biến mà là thừa kế những khám phá của những tiền nhân đi trước. Nhiều qui luật đã được tiền nhân trước thời BBS sử dụng, hay xa hơn nữa là trước thời AC-1906. Họ tuy là số ít nhưng làm sao biết được họ không phải là những trí thức hàng đầu và tiên phong giống như Galileo? Họ là những người đọc và viết hàng ngày. Có thể họ nhận ra sự bất ổn của ATTT nên đưa ra những qui luật mới. Vì họ có thể là những trí thức hàng đầu và giả sử Champa còn, biết đâu chừng những khám phá của họ đã góp phần chuẩn hóa AT trước thời BBS. Nói như thế để thấy rằng BBS đã kế thừa những khám phá của tiền nhân Chăm. Và không ai có đủ tư cách để kết tội tiền nhân một cách dã man như những người chống đối đã làm. Đau buồn lắm thay!
Có ngôn ngữ nào bất biến theo thời gian? Có ngôn ngữ nào không cần chuẩn hóa từ khi sinh ra đến trăm năm hay ngàn năm sau nữa? Chẳng lẽ người sử dụng chữ Hán chửi người sáng tạo chữ Nôm? Chẳng lẽ người sử dụng chữ Nôm chửi người sử dụng Quốc Ngữ? Chẳng lẽ Alexandre de Rhodes lại chửi những người chuẩn hóa chữ Quốc Ngữ hiện hành? Cả ATTT hay ATPT đều có những giới hạn nhất định. Nói đúng hơn là AT Chăm chưa thật sự ổn định. Quan trọng hơn cả là tấm lòng, là thái độ và là cách hành xử mà thôi. Làm thế nào để con em Chăm đọc, viết, và nói được tiếng Chăm mới là điều cốt lõi.
3. Học ATPT có đọc được ATTT hay không?
ATPT đọc được ATTT là điều tất nhiên không cần phải chứng minh. Trả lời tôi, anh Karim cũng đã viết rằng AT của BBS sao chép hoàn toàn từ ATTT nên có đầy đủ âm vần của ATTT. Nghĩa là biết đọc ATPT sẽ đọc được ATTT. Trong thực tế, ATPT là ATTT cộng thêm ba vần (poh gak, croh ao không darsa, balau trên darsa dar dua). Nói đúng hơn ATTT nằm gọn trong ATPT. Nếu nói học ATTT thì có thể viết văn làm thơ, còn ATPT thì không thể viết văn làm thơ, thì đó là chuyện cười hoàn hảo nhất. Viết văn làm thơ là khả năng thiên phú hoặc rèn luyện của mỗi người. Cả ngàn người học ATTT nhưng chỉ vài người viết văn làm thơ. Như thế ta nói rằng học ATTT không thể viết văn làm thơ à? Sao lại nói như thế được!
Rồi lại nói học sinh học 5 năm ATPT không bằng sinh viên học 3 tháng ATTT. Tại sao lại so sánh sinh viên và học sinh tiểu học? Trong vòng một tuần, sinh viên có thể đọc tất cả các sách giáo khoa của bậc tiểu học và hiểu rõ cặn kẽ. Liệu học sinh tiểu học có làm được điều đó không? Tại sao đem sức học của của con nít so sánh với 3 tháng học của sinh viên? Hơn nữa nhiều sinh viên đã học chữ ATPT ở bậc tiểu học rồi, nay chỉ cần ôn lại là biết ngay. Muốn so sánh giỏi dở, người ta bắt đầu từ hai sự tương đương. Ví dụ cụ thể như sau: Lấy một nhóm sinh viên ngang nhau về kiến thức, ngang nhau về sức học, ngang nhau về khả năng ngôn ngữ, ngang nhau về kiến thức văn hoá và chữ viết Chăm. Chia họ ra thành hai nhóm, một nhóm cho học ATTT và một nhóm cho học ATPT. Sau 3 tháng, kiểm tra lại kiến thức của hai nhóm rồi so sánh để đưa ra kết luận. Đấy mới là cách so sánh khoa học.
Nhận định một vấn đề gì ta phải nhận định bằng kiến thức và tình thần trong sáng và khách quan để người đọc người nghe còn trân quí. Người biết từ vựng nhiều thì hiểu nhiều còn biết từ vựng ít thì hiểu ít chứ không thể so sánh sinh viên và học sinh cấp một được. Nhận diện được vấn đề này bản thân tôi cùng nhiều phụ huynh khác đã tìm cách kiến nghị đưa chữ Chăm lên cấp hai cấp ba theo như quy định của chính phủ. Như thế thì sau này chúng ta không cần phổ cập hay tái xóa mù chữ cho sinh viên.
4. Kết Luận:
Khi thảo luận cả hai nhóm đều có mục đích riêng thì sẽ không có hồi kết. Mục đích của các anh là gì thì các anh cứ tiếp tục theo đuổi. Còn mục đích của tôi thì chỉ để thẩm định hai điều và đã có kết quả đó là:
1. BBS không chế biến mà là kế thừa có chọn lựa thành quả của các bậc tiền nhân đi trước.
2. Học ATPT vẫn đọc được ATTT.
Quan trọng nhất hiện nay là làm sao đưa chương trình tiếng Chăm lên trung học và cấp học cao hơn. Khuyến khích sinh viên tham gia tích cực hơn vào các lớp AT của Chi Hội Chăm Sài Gòn. Kiến nghị cho chương trình tự dạy tự học trong các làng Chăm mà không bị ai làm khó dễ. Truyền Thống cũng được, Phổ Thông cũng được- tuy hai mà là một.

Siam mưkrư,

T.S. Quảng Đại Cẩn

Tuesday 7 October 2014

Tổ chức Chăm hải ngoại nhọc nhằn nhân hòa

Trích từ facebook của Đồng Chuông Tử (nhà thơ nhà báo tự do)
Người xưa nói thiên thời, địa lợi, nhân hòa là ba yếu tố quan trọng và quyết định thành bại từ công việc nhỏ đến công việc lớn. Thời nay, người Chăm hải ngoại, nhất là các tổ chức dân sự đã phần nào có được thiên thời, địa lợi, nhưng đặc biệt yếu tố nhân hòa dường như vắng bóng, có khi là quá xa xỉ. Lưu vong ra bên ngoài là một con đường giải thoát số phận cá nhân và lý tưởng tranh đấu cho quyền lợi dân tộc ở cố hương là đáng hoan nghênh trân trọng.
Tuy vậy, tranh đấu mà không chắt chiu, nâng niu và tranh thủ tình cảm, nghĩa dũng của từng người một, từng tổ chức khác nhau, ở những thời điểm khác nhau là tự gây khó cho bản thân tổ chức, bó hẹp tâm lý đấu tranh. Chỉ khăng khăng quan điểm của một tổ chức mình, cô lập mình lại và xù lông nhím, ghim nỗi thù mỗi khi có sự phản biện, thậm chí chê bai, rồi phản pháo một cách ác ý, vùi dập kinh khủng là phản tranh đấu. Không phân biệt được đâu bạn đâu thù, đâu anh em đồng tộc là mù lòa, không nắm vững chiến lược, sách lược. Bị hạn chế mà không thấy. Không có tư tưởng xuyên suốt, tầm nhìn bao quát nhất quán và ổn định lâu dài. Một tổ chức như vậy chắc chắn sẽ vô cùng phiền muộn và làm việc gì cũng rất khó.
Trong một con người, có những mặt mạnh mặt tốt, mặt hạn chế yếu kém. Và đối với một tổ chức dân sự hay chính trị cũng không tránh khỏi những mặt ấy. Không ai tự vỗ ngực ta toàn diện bao giờ. Có thể ta giỏi mặt này khía cạnh kia, nhưng ngay cả các vị thánh cũng còn có khuyết điểm cơ mà.
Những tổ chức lập ra, tùy tôn chỉ mục đích mà hoạt động. Ở những đất nước tự do dân chủ cao như Mỹ, Pháp, Canada,… nếu đã có trí tuệ, trái tim và uy tín muốn hướng về những sinh phận khốn khó ở cố hương, muốn cải thiện, muốn truyền bá mở mang ánh sáng văn minh nhân loại, không phải là vô phương, nhất là trong thời đại mạng toàn cầu hiện nay. Có khuyến nghị yêu cầu, cần đẩy mạnh hoạt động phản biện phong phú đa dạng hơn nữa về khía cạnh văn hóa xã hội ở những tổ chức đang tồn tại, không để tình trạng đơn thương độc mã cho một tổ chức, như vậy là hèn nhát và nhu nhược, khôn vặt và bất nghĩa với tổ tiên ở trên cao xanh. Chỉ biết an hưởng cho riêng mình ấm cật phì da.
Có thể anh không đồng quan điểm với tổ chức này kia ở từng vụ việc, nhưng tuyệt đối phải chung tay hiệp lực mới gột nên hồ. Dẫu là chuyện nhỏ nhất cũng cần thiết ngang nhau. Tâm lí làm lơ, bỏ mặc, lo sợ đủ điều (trong đó có nỗi lo không được cấp visa về Việt Nam) là tâm lí tiểu nông, đổ thừa và hay tị hiềm thời tiết bầu trời. Làm người ai cũng biết yêu quý tổ quốc, cha mẹ, ông bà, con cái,… Khi những điều thiêng liêng bị xâm hại, người nào im lặng, ngồi yên là bất hiếu bất nghì với giống nòi, thần thánh.
Trong thâm tâm tôi, nhiều lúc không đồng ý với nhiều bài viết về cá nhân của Champaka.info, có thể bài viết đó là của độc giả trong nước hay ngoài nước, ngay cả có bài đả kích, chỉ điểm an ninh làm phiền tôi. Dĩ nhiên Champaka còn khuyết điểm ở vấn đề này. Nhưng xét trên tổng quan các tổ chức ở hải ngoại, tôi thấy Champaka mạnh mẽ, dứt khoát và dũng cảm. Chỉ có chút trăn trở về lực lượng mỏng và không có lớp kế thừa triển vọng của tổ chức dân sự này.
Những vấn đề lớn và thời sự của dân tộc được Champaka quan tâm, lên tiếng và kiên trì tranh đấu. Cụ thể như vấn đề bản địa của người Chăm, vấn đề ngôn ngữ dân tộc, vấn đề đền tháp Chăm xuống cấp, phục vụ du lịch và đòi hỏi nên trả lại cho tầng lớp tu sĩ Chăm hoạt động tôn giáo, vấn đề điện hạt nhân, vấn đề văn hóa thời kì mới hôm nay có nhiều biến động phức tạp, vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp nợ nần, vấn đề kiểm soát gắt gao của chính quyền ở nhiều thánh đường, nghĩa trang,… Những vấn đề lớn và thời sự ấy, cần sự lên tiếng rốt ráo, chuyên sâu và hiệu quả hơn. Riêng bản thân tôi cũng cố gắng diễn đạt tiếng nói trong tầm mức khả năng cho phép.
Nhưng dân tộc Chăm hôm nay là một dân tộc, phần đông im lặng nguy nan. Không chịu lên tiếng và lên tiếng hạn chế, nhận thức hiện thực ảo tưởng cũng là một nguyên nhân khiến không khí im lặng trở nên phình to bất thường. Sống là phải có thái độ và biết tỏ thái độ khi dân tộc cần. Dấn thân và xả thân vì sự trường tồn dân tộc mình không phải là lý tưởng xấu, hổ thẹn.
Cái tôi quan tâm và cần thấy hôm nay, sau bài viết này là ở những đất nước tự do dân chủ cao như thế, thiên thời có, địa lợi có, nhưng quý vị tự đánh mất hòa thuận có ngồi chung với nhau được hay không? Hay phải chăng chỉ vì những nhỏ nhen, vị kỉ của tâm tính thế hệ, quý vị bỏ mặc cố hương tổ tiên vời vợi u buồn. Nếu quý vị không ngồi lại với nhau được nữa, cũng xin đừng bêu riếu, lập biên bản lí lịch dân sự nhau nữa, muối mặt thế hệ trẻ với thế giới bên ngoài không chịu được.
Có thể sau bài viết này, quý vị sẽ tranh luận nảy lửa, có thể sẽ rơi vào im lặng. Có thể quý vị sẽ trách cứ tôi lồng lộng hơi thừa. Nhưng chắc chắn điều tôi quan tâm không phải là như vậy, và tôi cũng không sợ điều tiếng với bài viết này. Tôi có thể lại bị quấy rầy bởi an ninh văn hóa như đã từng, nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm. Người Việt có câu “thuốc đắng dã tật” chính vậy. Và góp được điều cần góp là thảnh thơi tâm hồn, trí óc của người trượng phu, với thời cuộc đang sống. Như thế mới không uổng phí công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục.
Tôi nhớ có một ai đó nói đại ý rằng “người nào vì tổ quốc vì dân tộc mình mà vong thân, thậm chí chết chóc thì đích thị đó là người chúng ta có thể tin tưởng và đi theo”.
Một bài viết ngắn mang một chiêm nghiệm gan ruột tận đáy lòng. Cốt chỉ để nói một chuyện xưa cũ, rõ như ban ngày “chúng ta là máu mủ, không biết chụm lại thương yêu đùm bọc lẫn nhau, múa hát cùng nhau, người ngoài họ nhìn vào, họ cười cho thối mũi” vậy thôi.
Nếu bài viết này không được nghe ra, sẽ là một bài viết thất bại. Tôi đoan chắc thất bại rồi, nhưng vẫn viết. Vì thế hệ ấy, có cái tôi to lớn vĩ đại hơn cả bầu trời xứ sở đang quằn quại đau thương. Và các tổ chức do thế hệ ấy đẻ ra, cũng không ngoại lệ. Bây giờ cần một thế hệ mới tiếp bước nhiệt huyết và nhạy bén, tinh tế hóa giải và hòa giải, mới mong yếu tố nhân hòa được nâng niu, phát triển và trở về đúng nghĩa.
Karun Đồng Chuông Tử

Friday 28 February 2014

LUẬT CHÍNH TẢ TIẾNG CHAM: PHÁT TRIỂN HAY LỤI TÀN

TS Quảng Đại Cẩn
I. Định nghĩa
Chính tả là cách viết chữ được coi là chuẩn để người đọc và người viết có thể hiểu chính xác thông điệp giao tiếp. Nó là mực thước, quy ước giao tiếp có tính chất bắt buộc đối với toàn thể cộng đồng ngôn ngữ, là nguồn sống của ngôn ngữ. Sự thống nhất chính tả biểu hiện tính thống nhất của một ngôn ngữ. Chuẩn chính tả không phải là cái bất biến. Vì xã hội luôn phát triển, luôn có chuẩn mới thay cho chuẩn cũ. Chính tả có thể thay đổi từng phần hay toàn diện cả hệ thống văn tự. Khi chuẩn cũ lỗi thời cản trở giao tiếp hiệu quả, dân tộc đó phải mượn ngoại ngữ để giao tiếp, thì chuẩn mới phải ra đời, hợp lý hóa ngôn ngữ đó để tiếp tục được sử dụng. Chuẩn mới ra đời đáp ứng nhu cầu của đời sống, phù hợp với sự phát triển của ngôn ngữ và được xã hội chấp nhận. Chính tả tiếng Việt hay tiếng Cham cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngôn ngữ không cần chuẩn chính tả là ngôn ngữ chết hay ngôn ngữ trong viện bảo tàng. Việc viết sai chính tả là rất bình thường ở tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. (March, 1893)
II. Tại sao một âm vị Cham được biểu thị bằng một ký tự
Đối với ngôn ngữ có loại hình đơn lập[1] (Xtankevich, 1982) như tiếng Cham, tiếng Việt, một ký tự thường được phát âm thành một âm vị. Vì một hình vị không bao giờ biến đổi theo cấu trúc ngữ pháp nên âm vị luôn cố định. Hình vị (từ) của tiếng Cham không bao biến đổi theo số nhiều số ít hay giống đực giống cái như từ trong tiếng Anh, Pháp, Nga,,, (ngôn ngữ biến hình). Chúng Những yếu tố biến hình đó được thay bằng hư từ. Do đó Một ký tự được phát âm thằnh hai âm vị là bất hợp lý. Điều này gây hiểu nhầm và khó khăn trong giao tiếp viết, đã khiến người Cham thường dùng tiếng Việt để giao tiếp và trao đổi trên internet và thư từ.
Từng âm vị với những nét khu biệt cần được thể hiện qua ký tự, hệ thống chữ viết. Sự thể hiện nét khu biệt tiền âm tiết và ngắn dài càng hoàn hảo thì văn tự đó càng hành chức có hiệu quả và càng phát triển song hành vời ngôn ngữ và xã hội. Điều này được thể hiện cụ thể trong luật chính tả của văn tự. Trong quá trình sử dụng con người hoàn thiện dần chính tả để văn tự đó hành chức có hiệu quả hơn trong giao tiếp. Văn tự càng mô tả chính xác lời nói, thì tính hiệu quả trong hành chức giao tiếp càng cao, sẽ phát triển mạnh mẽ và tồn tại lâu dài. Đồng nghĩa với dân tộc đó sẽ tồn tại lâu dài. Ngược lại một văn tự không đáp ứng được yêu cầu hành chức thì sẽ bị lãng quên, đào thải và bị thay thế. Chữ Cham, hoàn cảnh tiếng Cham hiện nay đang cần chuẩn chính tả để  người Cham có thể giao tiếp viết được với nhau thay vì phải dùng tiếngViệt. “Người Cham muốn thành người Việt” là thông điệp khi họ dùng nhiều tiếng việt với nhau trong giao tiếp thư từ và internet. Việc họ luôn nói tự hào là Cham và bảo tồn văn hóa Cham không cứu họ khỏi bị mất gốc. Họ tự nguyện đồng hóa thành người Việt chứ không ai tinh vi đồng hóa họ cả.  
III. Yếu tố bất hợp lý cần chuẩn chính tả
Trước đây văn tự Akhar Thrah Cham có hiện tượng một ký hiệu mà phát âm thành hai âm vị:
(1) phụ âm: viết /l/ nhưng phát âm là [l] hay [g]. Có 5 cặp tương tự như vậy là: /l-g/, /p-s/, /gh-b/, /d-p prong/, /kh-nh/.
(2) viết phụ âm cuối /k/ nhưng phát âm là [k] hay [g].
(3) viết nguyên âm chính /a/ được phát âm là [a] hay [a:]. Có 7 cặp nguyên âm tương tự như  vậy là: /a, a:/, /u, u:/, /ư, ư:/, /ơ, ơ:/, /o, o:/, /e, e:/, và /i, i:/.
Những lỗi trên đã được tự phát khắc phục lẻ tẻ ở một số địa phương. Chính tả Cham chính thức bắt đầu chuẩn từ năm 1964. Từ lỗi số (1) được nhóm Thiên Sanh Cảnh, Lưu Quý Tân và lâm Gia Tịnh…, khắc phục vào năm 1964. Lỗi số (2) và (3) cũng được khắc phục một cách tự giác từ 1978 tới năm 1990 mới hoàn thiện một cách cơ bản và toàn diện. Cả các ký tự 5 phụ âm đầu, một phụ âm cuối, và 7 nguyên âm đều có cách viết hợp lý như đang sử dụng trong nhà trường hiện nay.
Sự thể hiện chuẩn xác tiền âm tiết (langlikuuk), âm ngắn dài (katut atah) trong chính tả Cham chính là sự chuẩn chính tả cần thiết để phát triển như các ngôn ngữ khác. Ngược lại viết một ký tự đọc thành hai âm vị là viết sai chính tả, người đọc phải suy luận có thể sẽ không hiểu hoặc hiểu sai ý người viết. Chính vậy nên AT truyền thống và AT phổ thông của BBSSCC đều là Akhar Thrah, khác nhau ở CHÍNH TẢ. AT truyền thống là chính tả cách đây trên 200 năm và AT phổ thông là chính tả hiện nay phù hợp với nhu cầu giao tiếp và phát triển xã hội. Thực tế chữ Cham đang sử dụng có cả Latinh, Akhar Thrah, Jawi, và Rumi. Văn tự nào cập nhật được chuẩn chính tả sẽ được sử dụng giao tiếp trong đời sống hằng ngày. Duy trì chính tả lỗi thời là giết chết sức sống của ngôn ngữ vì chúng không giao tiếp được như chính tả Akhar Thrah truyền thống không dùng giao tiếp được. Chỉ vì chính tả khác nhau mà tự tạo ra bất đồng và phe nhóm. Thậm chí vài người gán cho người tốt là bút chiến, Chàm gian vì không theo chính tả lỗi thời, mà chính họ cũng không sử dụng được trong giao tiếp..
Vài ngôn ngữ mạnh tiêu biểu, tiếp tục chuẩn chình tả để tăng cường hiệu quả giao tiếp và sức truyền bá của chúng. Tiếng Anh chuẩn chính tả, spelling reform, bắt đầu từ năm 1568 mãi cho đến thập  niên 1920 mới hoàn chỉnh. Cho tới năm 1920, music vẫn còn viết là musick, fantasy còn viết là phantasy (Tauber, 1958). Chính tả Pháp được quan tâm từ năm 1550, nhưng năm 1990 thủ tướng Pháp đã phê duyệt chuẩn chính tả cho khoảng 2000 từ nữa (Susan, 1989). Tiếng Hàn cũng được chuẩn về văn tự từ năm 1913 (King, 1997). Nhiều ví dụ khác không những họ chuẩn về chính tả mà thậm chí thay đổi luôn cả hệ thống văn tự để việc ghi tín hiệu lời nói của ngôn ngữ đó được chuẩn xác. Đó là chữ Rumi thay cho Jawi của Malaysia, chữ latinh thay cho Hán, và Nôm của Việt Nam, chữ rik, Athrah, Jawi, Rumi và Latinh của Cham.
Các yếu tố biến thể tự do (phương ngữ) đã tn tại nhiều cách viết như cho một từ:
Tuai, tôy, tôaiy (khách); (ha)njuôơl, njuơl, njuôl, njôl (nhẹ); apuei, apuy (lữa). Không có cách nào là sai, vì chuẩn chính tả mà chúng ta phải chọn một trong những cách đơn giản hợp lý hơn đã được dùng và liệt kê trong các từ điển. Đó là xu thế chung của ngôn ngữ là đơn giản hóa để tồn tại và phắt triển. Nhìn vào cách viết, hay chính tả, người đọc có thể biết là văn bản này được viết vào thời nào.
IV. Kết Luận
Tóm lại, nét phổ biến và đặc thù của tiếng Cham là khu biệt nghĩa tiền âm tiết và khu biệt nghĩa ngắn dài trong tiếng Cham. Dù trong các phát âm của người Cham có khác nhau nhất định do vùng miền, giới tính và tuổi tác, nhưng nét khu biệt đặc thù trên luôn hiện hữu. Do đó chính tả chuẩn là cách viết hay văn tự nào bộc lộ được tất cả các nét khu biệt nghĩa trên. Dù được diễn tả trong văn tự hay không thì các nét khu biệt nghĩa vẫn tồn tại trong phát ngôn. Thích viết chữ Cham, và tôn trọng luật chính tả là góp phần tăng sức sống cho tiếng Cham, chữ Cham. Viết một từ mà thiếu tiền âm tiết là viết sai chính tả, có thể sẽ khiến người đọc không hiểu hoặc hiểu sai nghĩa từ. Viết một âm ngắn mà đọc thành vừa ngắn vừa dài mang nhiều nghĩa là viết sai chính tả, dễ gây ngộ nhận. Người đọc cần phải suy luận và thậm chí hiểu sai ý người viết. Cho dù có viết khác đi, viết sai chính tả, là điều rất tự nhiên, không nên và không thể dẫn đến bất đồng và phe nhóm. Sự sử dụng nhất quán trong biểu hiện nét khu biệt nghĩa tiền âm tiết và ngắn dài là phù hợp với luật chính tả. Chữ Cham Akhar Thrah phổ thông đang sử dụng trong nhà trường hơn 35 năm qua tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là chuẩn chính tả Cham cơ bản. Đó là chính tả Cham, đã giúp tiếng Cham trong sáng dễ hiểu, đễ đọc dễ viết hơn. Chính tả chuẩn giúp tiếng Cham hành chức hiệu quả trong giao tiếp và phát triển.

SÁCH THAM KHẢO
Aymonier E. & Cabaton A. (1906). Dictionaire Cam – Francais, L’ecole Francaise D’exttreme-Orient, Volume VII.
Bùi Khánh Thế, Phú Trạm, Quảng Đại cẩn (1996). Từ Điển Việt – Chăm. Nxb Khoa học xã hội.
Graham Thurgood (1999). From ancient Cham to modern dialects: two thousand years of language contact and change : with an appendix of Chamic reconstructions and loanwords. University of Hawaii Press.
JaYam Padra & JaKhwa Cauk (2009). Panôc dôm kadha doh Cham. Hội dân tộc học Tp Hồ Chí Minh, Chi hội dân tộc Cham.
King, Ross (1997). "Language, Politics, and Ideology in the Postwar Koreas". In McCann, David R. Korea Briefing: Toward Reunification. M.E. Sharpe. pp. 124–126, 128.
March F. A. (1893). The spelling reform. United States. Bureau of Education.
Moussay G., Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm gia Tịnh, & Trượng Văn Tốn. (1971). Từ Điển Chăm - Việt – Pháp, Phanrang.
Omniglot (1912). Sanscrit, from http://www.omniglot.com/writing/sanskrit.htm
Susan Bađeley. (1989). Spelling reform in France: Past. Present and… Future? Journal of the Simplified Spelling Society, 1989/1 pp.10-12 later designated J10.
Tauber, Abraham: (unpub. thesis), Spelling Reform in the United States, Colombia Univ. 1958. pp. 311.
Xtankevich N. V. (1982). Loại hình các ngôn ngữ. NXB Đại học và THCN (Tr. 38- 43).




[1] Loại hình ngôn ngữ đơn lập Là ngôn ngữ không có hình thái, không biến hình. Đơn vị cơ bản là từ, hình tiết, một đơn vị có nghĩa, không có biến tố do số nhiều số ít, loại, giống đực, cái, giống trung. Quan hệ ngữ pháp không diễn ra ở trong nội bộ từ, chỉ bằng trật tự trước sau của từ, hoặc hư từ. Các từ không biến hình nên không có sự biến thái của các âm vị theo chức năng ngữ pháp. Các ký tự thường có phát âm duy nhất.

NÉT KHU BIỆT NGHĨA NGẮN DÀI TRONG TIẾNG CHAM

TS Quảng Đại Cẩn

I.Khái quát
Ngoài nét khu biệt nghĩa langlikuuk[1], tiếng Cham còn có nét khu biệt đặc thù nữa là: Ngắn dài. Bài tiểu luận này muốn làm rõ: Khu biệt nghĩa ngắn dài là gì? Có hay không tồn tại khu biệt nghĩa ngắn dài trong lịch sử phát triển tiếng Cham.
Để nhận rõ hiện tượng khu biệt nghĩa ngắn dài rất cần nắm vững các khái niệm sau:
Âm tố: là đơn  vị ngữ  âm nhỏ nhất của lời nói, là phát âm cụ thể của một âm vị. Âm tố có tính cụ thể và được tiếp nhận bằng thính giác, nên có tính chất cá thể. Do đó âm tố, thường bao gồm cả nét phương ngữ, là nét không khu biệt hay biến thể tự do. Âm tố được ghi lại bằng ký hiệu []. Ví dụ khi phát âm tiết [nao] (đi), và [rao] (rửa), ta thấy có sự khác nhau. Rõ ràng là do [n] và [r] gây ra. Khi phân tích các âm tiết trên thành những yếu tố nhỏ hơn, [nao] do [n], [a], [o] hợp thành, và [rao] do [r], [a], [o] hợp thành. Người ta gọi các  yếu tố tách ra khỏi hai âm tiết đó là các âm tố. dùng  để:[r], [n], [a], và [o].
Âm [r] trong [rao] ở miền trung và miền nam có những phát âm khác nhau. Hơn nữa, sự phát âm [r] của mỗi người và ngay ở một người, trong những thời điểm khác nhau, cũng có sự khác nhau.
Âm vị: Âm vị là nét chung khái quát nhất của âm tố, là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ có khả năng tạo nên sự khác biệt về nghĩa của một đơn vị âm thanh nhỏ nhất mang nghĩa. Âm vị là hữu hạn và được ghi lại bằng ký hiệu //. Ví dụ: Xét những cặp tối thiểu sau để luận ra những âm vị, nét  khu biệt: /m/ trong mat và /b/ trong bat với tiếng Anh. Tiếng Việt: /đ/ trong đan và /t/ trong tan. Tiếng Cham /g/ trong lag (rượu) và /k/ trong lak (lặp).
Hình vị: Hình vị là đơn vị nhỏ nhất của một chuổi lời nói có mang nghĩa. Còn gọi là từ. Ví  dụ: trong lời nói “Dahlak nao daraak pagê ni” có thể phân tích thành 5 hình vị có nghĩa là “Dahlak / nao / daraak / pagê / ni”. Hình vị tiếng Cham có lúc có một hay nhiều âm tiết. Cho dù âm tố có đa dạng nhưng âm vị là hữu hạn nhất định. Âm vị và hình vị là yếu tố tương đối ổn định, tồn tại độc lập với chữ viết. Cho dù ngôn ngữ đó có được thể hiện bằng nhiều kiểu văn tự  khác nhau, âm vị và hình vị của ngôn ngữ vẫn không có sự khác biệt và  không bao giờ bị đảo lộn.

II. Khu biệt ngĩa về mặt âm thanh
Hiện tượng khu biệt nghĩa ngắn dài âm tiết chính thể hiện trong những từ trong những phát ngôn ở ví dụ sau:
Trong những cặp tối thiểu này, sự ngắn dài của âm chính tạo nên sự khác nghĩa. Dù phát âm ở các vùng miền, cá nhân có thể khác nhau, nhưng cặp tối thiểu này luôn luôn tồn tại. xét những cặp phát âm sau:
[bal] ( thủ đô) [baal] (vá)
[cơk] (núi) [cơơk] (khoát lác)
[gok] (nồi) [gook] (gặp)
[hak] (ủa) [haak] (xé)
[kalơp] (xếp, gấp, nhào, chúi) [kalơơp] (con mối cánh)
[klak] (xưa, cũ) [klaak] (từ bỏ)
[mok] (con mọt), [mook] (ăn vội)
[rik] (cỗ, xưa) [riik] (cá khô)
[rơp] (khởi sự) [rơơp] (làm xây (tổ))
[that] (tươi) [thaat] (thề nguyền)
[thơp] (bao phủ) [thơơp] (lót)
[tal] (tới, lớp) [taal] (lỏi (cày))
[vak] (con cút, viết, treo) [vaak] (cái thêu, xẻng, gỡ, xa quấn chỉ)
Hoặc là nếu thay một từ bất kỳ bằng một âm đối nghịch ngắn bằng âm dài hoặc âm dài bằng âm ngắn thì sẽ tạo nên một đơn vị không mang nghĩa như. Có đến hàng ngàn cặp tối thiểu như vậy trong tiếng Cham:
[gog] (gốc)/ [goog] (không nghĩa)
[galag] (vỗ)/ [galaag] (không nghĩa)
[kalan] (đền)/ [kalaan] (không nghĩa)
[katoog] thay bằng o ngắn, [katog] không có nghĩa.
Tương tự với sự thay thế đối nghịch dài ngắn tương ứng sẽ có đơn vị mới không mang nghĩa.
Rất nhiều cặp tương tự như:
[jag] (khôn)/ [jag] (không nghĩa)
[kalog] (súc gỗ)/ [kaloog] (không nghĩa)
[trong] (trái cà)/  [troong] (không nghĩa)
[log] (móc)/ [loog] (không nghĩa)
[tul] (nệm)/ [tuul] (không nghĩa)
[utan] (người rừng)/ [utaan] (không nghĩa)
[wag] (số mệnh)/ [waag] (không nghĩa)
[yar] (rặn)/ [yaar] (không nghĩa)
Chính sự biến nghĩa hay mất nghĩa của một đơn vị âm thanh, khi thay đổi âm chính bằng những cặp ngắn dài là yếu tố khu biệt nghĩa. Nếu những cặp âm trên cùng nghĩa thì phát ngôn Cham không có ngắn dài.

III. Vài ngộ nhận về khu biệt nghĩa ngắn dài

1. Âm dài do langlikuuk mềm hóa các âm chính
Langlikuuk có âm vực thấp thường đồng hóa các âm chính thành âm vực thấp, chứ không thể đồng hóa để biến âm chính thành âm dài được. Tiếng Cham không có hiện tượng biến thái âm vị từ âm ngắn thành âm dài. Vì thực tế có rất nhiều từ có langlikuuk nhưng ânm chính vẫn ngắn, hoặc vừa ngắn vừa dài với nghĩa khác nhau. Ví dụ: [ratak] (khắc chạm)/ [rataak] (đậu); [lamưk] (mỡ)/ [lamưưk] (chừa); [girak] (trói, vòi vĩnh)/ [garaak] (giạng); taklơp (màu đỏ tươi)/ taklơơp (tốp trâu đạp trên một nhã lúa); [kalok] (chai, lọ) [kalook] (lột, gỡ).
hoặc có langlikuuk thì âm ngắn, không langlikuuk thì âm dài, như: arong (lung)/ roong (nuôi); tong (núm, ung thư)/ ritong (cá lòng tong)/ atoong (đánh); aduk (phòng)/ duuk (tên một loài ong); alok (thửa (ruộng))/ look (lột); hang (chim hăng)/ haang (bờ).
Từ những ví dụ trên cho thấy langlikuuk không làn dài (mềm) hay ngắn (cứng) âm chính được.

2. Ngắn dài do phương ngữ
Chỉ khi nào địa phương này đọc ngắn và địa phương khác đọc dài cho cùng một hình vị (cùng nghĩa). Không bao giờ tìm thấy một ví dụ như vậy. Ở đâu cũng có những cặp (hay bộ ba) tối thiểu khác nghĩa nhau:
luk (thoa)/ luuk (khờ dại)/ lug (lõm); gak (tranh)/ gaak (dạng)/ cagag (cây xà gạt);
drak (xỉa, xỉa xói)/ draak (gieo); akok (đầu)/ kook (trắng)/ kog (tên trâu kog)/ koog (cót lợp nhà)
taduk (mầm)/ taduuk (phần cuối, đuôi); jak (đạp)/ jaak (rủ); rak (gân, sợi)/ raak (hắc lào, nẩy nở)/ raag (quỷ, chằn)

III. Khu biệt nghĩa xét về mặt văn tự
Điều này đã được thể hiện triệt để, nhất quán trong hệ thống văn tự Akhar Thrah phổ thông đang dạy trong nhà trường hiện nay. Các cách viết khác không thể hiện hết âm thanh của lời nói xem như là không đúng chính tả.
Hiện tượng khu biệt nghĩa ngắn dài được thể hiện thế nào trong lịch sử văn tự Cham?:
Trong mẫu tự Sancrit trong các văn bản Cham cổ luôn có cặp ngắn dài, âm dài có kí hiệu phân biệt. Khi chuyễn tự sang Latinh có dấu ngang trên đầu như: a, ā, u, ū, i, ī.
Trong từ điển Aymonier cabaton chủ biên:
[omkār] (bùa homkar) (tr. 38); [rūp] (thân) (tr.420); [jūk] (đen) (tr. 151); [kabāk] (đi bộ) (tr. 58)
Trong Từ điển G. Moussay chủ biên :
[atūk] (đốt, lóng) (tr. 15); [mưrūp] (biến mất) (tr. 222); [prāp tarāp] (lan tràn) (tr. 281); [birāk] (bắc) (tr. 325)
Trong từ điển Bùi Khánh Thế chủ biên:
[tanūk] (que lăn con cúi) (tr. 277); [rabūk] (bão) (tr. 625); [katūk] (địt, rấm); [raan] (cố gắng) (tr. 623); [raak] (đâm, nẩy, nở) (616).
Trong các bài báo của TS Graham Thurgood, tập nhạc Jayam-Jakhoa, và các tham luận của TS Quảng Đại Cẩn: âm dài được thể hiện bằng cách gấp đôi nguyên âm đó. Đó là xu thế để dễ sử dụng trong giao tiếp internet và in ấn: [aa, uu, ưư, ơơ, ii, ee, oo].
Các yếu tố biến thể tự do (phương ngữ) đã tn tại nhiều cách viết như:
Tuai, tôy, tôaiy (khách); (ha)njuôơl, njuơl, njuôl, njôl (nhẹ); apuei, apuy (lữa). Không thể cho cách này là đúng, cách khác là sai, vì chúng đã được dùng và liệt kê trong các từ điển. Do đó cách viết đơn giản hợp lý hơn đã được chọn. Đó là xu thế chung của ngôn ngữ là đơn giản hóa để tồn tại và phắt triển. Nhìn vào cách viết, hay chính tả, người đọc có thể biết là văn bản này được viết vào thời nào.

IV. Kết Luận
Tóm lại, khu biệt nghĩa ngắn dài trong tiếng Cham là rất phổ biến. Nó bộc lộ rõ trong các phát âm của người Cham ở tất cả các vùng miền, cả với người Raglai, Churu, Edê và Jarai. Dù được diễn tả trong văn tự hay không thì nét khu biệt ngắn dài vẫn tồn tại. Một số người cho rằng văn tự Akhar Thrah truyền thống không viết phân biệt ngắn dài, cho nên họ nhầm là phát ngôn tiếng Cham không có ngắn dài. Viết một âm ngắn mà đọc thành vừa ngắn vừa dài mang nhiều nghĩa là viết sai chính tả, dễ gây ngộ nhận. Người đọc cần phải suy luận và thậm chí hiểu sai ý người viết. Dùng văn tự biểu hiện nhất quán nét khu biệt ngắn dài là phù hợp với luật chính tả. Trong thực tế hiện tượng khu biệt ngắn dài đã xuất hiện trong các hệ thống văn tự Cham, từ Sanscrit, Akhar Thrah truyền thống, phổ thông, Jawi và Latinh trong các trang từ điển. Akhat Thrah phổ thông đang sử dụng trong nhà trường hơn 35 năm qua có viết phân biệt ngắn dài 7 âm chính /a, u, ư, ơ, o, e, i/ đã tỏ ra rất khoa học và ưu việt. Đó chính là chính tả Cham, đã giúp tiếng Cham trong sáng dễ hiểu, đễ đọc dễ viết hơn. Chính tả chuẩn giúp tiếng Cham hành chức hiệu quả trong giao tiếp và phát triển. Không nên vì viết đúng hay sai chính tả mà bất đồng và phe nhóm. Dù Latinh hay Jawi hay Rumi hay Akhar Thrah cũng là tiếng Cham, chữ Cham, cần phát huy để tiếng Cham phát triển.

SÁCH THAM KHẢO
Aymonier E. & Cabaton A. (1906). Dictionaire Cam – Francais, L’ecole Francaise D’exttreme-Orient, Volume VII.
Bùi Khánh Thế, Phú Trạm, Quảng Đại cẩn (1996). Từ Điển Việt – Chăm. Nxb Khoa học xã hội.
Graham Thurgood (1999). From ancient Cham to modern dialects: two thousand years of language contact and change : with an appendix of Chamic reconstructions and loanwords. University of Hawaii Press.
JaYam Padra & JaKhwa Cauk (2009). Panôc dôm kadha doh Cham. Hội dân tộc học Tp Hồ Chí Minh, Chi hội dân tộc Cham
Moussay G., Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm gia Tịnh, & Trượng Văn Tốn. (1971). Từ Điển Chăm - Việt – Pháp, Phanrang.
Omniglot (1912). Sanscrit, from http://www.omniglot.com/writing/sanskrit.htm
Xtankevich N. V. (1982). Loại hình các ngôn ngữ. NXB Đại học và THCN (Tr. 38- 43).




[1] Latinh sử dụng trong bài là cách chuyển ngữ từ Aklhar Thrah của TS Quảng Đại Cẩn để thuận tiện.

Saturday 11 January 2014

GIÁO DỤC SONG NGỮ, ĐA NGỮ Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI: TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỂN


TS Quảng Đại Cẩn
Lời Mở: Ba ngày, 6-8 tháng 11 năm 2013, Hội thảo quốc tế lần thứ 4về ngôn ngữ và giáo dục: Giáo dục đa ngữ cho mọi người, chính sách, thực tiển và tiến trình, tại Bangkok, Thái Lan (Multilingual for all in Asia and the Pacific: Policies, practices, and Proccessies). Sự kiện này đã đánh dấu một mốc mới trong việc phát triển giáo dục và duy trì ngôn ngữ dân tộc bản địa/ thiểu số, đang có nguy cơ biến mất. Hơn thế nữa, “… giáo dục song ngữ/ đa ngữ (GDSN/ ĐN) là rất quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững vùng châu Á Thái Bình Dương…” như nhấn mạnh của Phó Thủ Tướng Thái Lan, Phongthep Thepkanjana trong diễn văn khai mạc. Căng thẳng ở phía nam và tụt hậu phía bắc Thái Lan đang dần khắc phục và loại bỏ. Sau bảy năm thí điểm, thấy rõ lợi ích từ giáo dục song ngữ chính phủ Thái đã cổ vũ mạnh mẽ chương trình này. Chính phủ Campuchia, Philippine, Nepal, Burma, và Afganistam… cũng bắt đầu có những bộ luật mở đường cho phát triển giáo dục song ngữ/ đa ngữ. Mô hình giáo dục tam ngữ (tiếng mẹ đẻ, tiếng Hoa, và tiếng Anh) đang được giới học giả Trung Quốc chú ý như là công cụ hữu hiệu phát triển giáo dục và đất nước. Một mô hình phát triển bền vững được kiên trì áp dụng tại Singapore từ thập niện 1960 đến ngày nay. Hiện nay nhiều nước đã tập trung phát triển GDSN và xem đây là phương tiện để tăng cường an ninh quốc gia, phát triển và cạnh tranh kinh tế.
Giáo dục song ngữ/ đa ngữ là làn gió mới cho sự phát triển ổn định bền vững vùng Châu Á Thái Bình Dương. Vậy giáo dục song ngữ /đa ngữ được định nghĩa thế nào trong thực tiển và thuật ngữ nghiên cứu? Giáo dục đa ngữ, dùng tiếng mẹ đẻ làm cơ sở (Mother Tongue Based- Multilingual Education /MTB-MLE) được đề cập trong Hội thảo quốc tế lần 4 tại Bangkok, Thái Lan về ngôn ngữ và giáo dục và dạy tiếng mẹ đẻ như là một môn học tại Việt Nam có gì khác nhau? Mục tiêu của bài viết này, mong giải đáp được những vướng mắc trên để giáo dục song ngữ tại việt nam đi vào thực chất hơn và đáp ứng hơn nữa yêu cầu phát triển giáo dục.
Định nghĩa: GDSN/ ĐN bao gồm việc dạy các môn học trong nhà trường bằng hai hay nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, quốc ngữ, và các tiếng sắc tộc thiểu số/ bản địa với thời lượng nhất định, trong những phân môn nhất định cấu thành mục đích, thể loại, và hình thức giáo dục song ngữ/ đa ngữ. Khái niêm Giáo dục song ngữ/ tam ngữ/ đa ngữ được dùng rất phổ biến hầu như toàn thế giới, trong các quốc gia đa ngữ. Tuy nhiên mỗi nước có một cách hiểu và áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể của mình với những mô hình và tên gọi khác nhau. Cá biệt có nơi không xem là họ đang thực hiện giáo dục song ngữ hay đa ngữ dù có hơn hai ngôn ngữ đang dạy trong trường (vì họ nhầm rằng song ngữ hay đa ngữ là dạy hai hay nhiều thứ tiếng cùng một lúc trong một lớp học).
Mục Đích: GDSN/ ĐN thường để giúp học sinh thiểu số/ bản địa chuyển tiếp vào học chương trình chuẩn quốc gia hay/ và bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Mục tiêu của gdsn có thể diễn giải chi tiết như sau: dung tiếng mẹ đẻ để dạy chương trình chuẩn quốc gia, giúp học sinh chuyển tiếp vào chương trình chuẩn quốc gia dễ dàng hơn; giúp học sinh di trú hội nhập vào xã hộ mới; học tiếng sắc tộc thiểu số/ bản địa để bảo tồn di sản ngôn ngữ, văn hóa của cộng đồng thiểu số/ bản địa.
Thể thức giáo dục song ngữ/ đa ngữ (form of bilingual/ multilingual education):
Căn cứ vào mục tiêu, mức độ, thời lượng (tỷ lệ giảng dạy so với quốc ngữ) và độ dài của chương trình các nhà ngữ dụng học chia gdsn thành các nhóm sau: giáo dục đơn ngữ (non-bilingual education form), gdsn yếu (weak bilingual education form) và gdsn mạnh (strong bilingual education form).
Chương trình giáo dục đơn ngữ: Đây là chương trình giáo dục của nước Mỹ trước năm 1965, chỉ giảng dạy duy nhất tiếng Mỹ (American Enlish). Mục đính thống nhất quốc gia, theo chủ trương quốc ngữ Anh duy nhất (Engish only). Không có chương trình tiếng nước ngoài hay thiểu số nào được dạy trong nhà trường. Nếu có học sinh thiểu số gặp khó khăn về ngôn ngữ, được học bổ túc chương trình tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ (English as second or foreign language). Từ thập niên 1970 đến nay, và nhất là sau sự kiện 9-11 năm 2001, nước mỹ xem giáo dục song ngữ như là giải pháp cho an ninh quốc gia và tăng cường sức cạnh tranh kinh tế. Nghĩa là thống nhất trong đa ngữ (English plus) thì tốt hơn. Lúc cực thịnh, đầu thập niên 1980, có 6553 trường dạy chương trình song ngữ với 145 tiếng mẹ đẻ khác nhau (Baker, 2011). Nay, có 343 chương trình giáo dục song ngữ với trên 10 thứ tiếng được thực hiện tại Mỹ (center for applied linguistics, 2009). Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay có lẽ khó hoặc không tìm thấy mô hình đơn ngữ này, vì ít nhất một ngoại ngữ được giảng dạy trong nhà trường. Hầu hết các cá thể và cộng đồng xã hội đều là song ngữ, tam hay đa ngữ. Giáo dục luôn hướng đến phục vụ, nuôi dưỡng sự phát triển giao tiếp của xã hội.
Chương trình song ngữ yếu: Chương trình có mục đích chuyển tiếp học sinh thiểu số sang quốc ngữ và giáo dục chuẩn chính khoá quốc gia. Với chương trình này, tiếng thiểu số chỉ được học trong thời gian ngắn. Khi học sinh có thể học được trong chương trình chuẩn quốc gia thì tiếng mẹ đẻ cũng hết vai trò. Do đó tiếng mẹ đẻ có nguy cơ bị lãng quên và thay thế bởi quốc ngữ. Mục tiêu của chương trình này là đồng hóa, và hội nhập các cộng đồng thiể số/ bản địa. Chương trình loại này có tên gọi là giáo dục song ngữ chuyển tiếp (Transitional Bilingual Education) thường kéo dài từ 1 học kỳ đến 3 năm, nhiều lắm là 5 năm, hay hết bậc tiểu học. Chúng còn có những tên gọi khác: early exit BE (giáo dục song ngữ ngắn hạn), mother tongue based, hay content based. Đó là chương trình chính khóa được dạy hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh trong những lớp riêng để học sinh hiểu và theo kịp yêu cầu của chương trình. Họ sinh này vẫn học bình thường các chương trình đó trong các lớp chung. Nếu điểm kiểm tra ở các lớp chung đạt yêu cầu thì các lớp tiếng mẹ đẻ sẽ chấm dứt. Đa số chương trình song ngữ của Mỹ đều có mô hình này.
Chương trình giáo dục song ngữ mạnh: Chương trình có mục đích bảo tồn, phát huy ngôn ngữ sắc tộc thiểu số/ bản địa, phát huy sự đọc thông viết thạo hai hay nhiều ngôn ngữ. Thực chất là chương trình song ngữ chuyển tiếp được kéo dài ra, và lên đến lớp 9 hay hơn nữa. Chương trình này được xem là sự duy trì cầu nối song ngữ, duy trì sự thành thạo tiếng mẹ đẻ song hành với chương trình chuẩn quốc gia bằng quốc ngữ. Không như ở giáo dục song ngữ thể yếu: lớp tiếng mẹ đẻ ngưng sau vài năm. Chương trình gdsn mạnh, tiếng mẹ đẻ được duy trì từ 5- 10% so với thời lượng lên lớp (khoảng 1 đến 2 tiết trong một tuần học). Chương trình này còn được gọi là: Late exit bilingual education, developmental (maintenance) bilingual education, heritage language bilingual education. Do đó tiếng mẹ đẻ không bị lãng quên trong tiến trình học quốc ngữ, và không bị nguy cơ thay thế. Thể thức giáo dục song ngữ mạnh khuyến khích và nuôi dưỡng tình trạng song ngữ/ đa ngữ trong xã hội.
Mô hình thực tiển trên thế giới: của các chương trình giảng dạy tiếng mẹ đẻ (giáo dục song ngữ). Sự đa dạng về mô hình và mục đích của giáo dục tiếng mẹ đẻ trên thế giới như một số chương trình điển hình được trình bày sau đây, cho thấy một bức tranh chung về giáo dục song ngữ. Mô hình song ngữ yếu và mục đích cải thiện hiệu quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu tại Anh Quốc, học sinh nam Á nguồn gốc (Taylor, 1985), nguồn gốc Trung Quốc (Taylor, 1987b), Việt Nam, Síp, ý và Ukraina, Romanies. Đó là những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh (ngôn ngữ quốc gia), được giảng dạy như một môn học phụ trội, kèm theo dựa trên nội dung các môn học bằng tiếng Anh (ngôn ngữ quốc gia) (Martin-Jones, 1984). Ví dụ của hình thức mạnh và chính sách quảng bá đa ngữ, tại châu Âu trong chương trình giáo dục những trẻ em di trú (cộng đồng châu Âu, 1977). Tại Đức, Đức Cặp đôi với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Hà Lan để tạo ra một mô hình' Đức' của châu Âu đa văn hóa và BE (Masch, 1994). Tại Bruney, Hệ thống trường học Dwibahasa (hai ngôn ngữ) hoạt động thông qua tiếng Mã lai (Bahasa Melayu) và tiếng Anh (Jones et al., 1993, Baetens, 1999). Tại Nigeria, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh, cùng với một trong các ngôn ngữ quốc gia của Nigeria Hausa, Ibo hoặc Yoruba (Afolayan, 1995). Ở New Zealand, phong trào Kohanga Reo cung cấp chương trình hoàn toàn bằng tiếng Maori từ lớp đầu cấp đến hết trung học cho học sinh người Maori (tháng 5, 1996). Một mô hình rất tiêu biểu kéo dài hơn 60 năm Ở Singapore, tiếng Anh, cộng với các tiếng quan thoại, tiếng Mã lai hoặc Tamil (bốn thứ tiếng chính thức) (Pakir, 1994).
Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (Mother tongue based- Bilingual Education)
Học sinh cộng đồng bản địa và thiểu số gặp khó khăn về ngôn ngữ bước đầu đến trường. Tỷ lệ học sinh vùng này bỏ học và ở lại lớp khá cao trong nhiều năm. Hầu khắc phục khó khăn này, giáo dục song ngữ/ đa ngữ- dung tiếng mẹ đẻ làm cơ sở (MTB-MLE), được áp dụng, thực hiện tại một số nước ở Châu Á Thái Bình Dương trong gần 7 năm qua, nhằm thuyết phục các chính phủ mở rộng thành luật giáo dục và áp dụng cho tất cả các cộng đồng bản địa và thiểu số, có học sinh gặp khó khăn về ngôn ngữ bước đầu đến trường. Chương trình này dung tiếng mẹ đẻ của học sinh để dạy nội dung trong chương trình chuẩn quốc gia hay nội dung văn hóa dân tộc đươc dự án biên soạn. Lớp đầu cấp dạy bằng tiếng mẹ đẻ, tỷ lệ giảm dần so với tiếng quốc ngữ khi lên lớp cao hơn. Ví dụ một số dự án ở Thái Lan và Campuchia, tỷ lệ tiếng mẹ đẻ/ tiếng quốc gia là: 80/20; 50/50; 20/80; 100% tiếng quốc gia ở lớp 4. Với những cộng đồng chưa có chữ viết, văn tự quốc gia được áp dụng để mô tả tiếng nói của họ. Ví dụ: Chữ Thái được dùng trong các dự án ở Thái và chữ Khmer được dùng trong các dự án ở Campuchia. Cũng là chữ quen thuộc của học sinh, được dùng để biên soạn tài liệu trong giáo trình giảng dạy trong chương trình này. UNICEF thí điểm thực hiện Giáo dục Song ngữ trên Cơ sở tiếng Mẹ đẻ ở ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh (2008-2015). Đó là tiếng Mông ở Lào Cai, tiếng Jrai ở Gia Lai và tiếng Khmer ở Trà Vinh. Các tài liệu giáo dục song ngữ như sách giáo khoa, các dụng cụ và đồ dùng giảng dạy được in bằng các tiếng dân tộc thiểu số cùng với việc tập huấn các kỹ năng dạy song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho giáo viên mẫu giáo và tiểu học. Ngoài ra Save Children còn có dự án dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai theo phương pháp song ngữ cho học sinh thiểu số tại Quảng Ninh Yên Bái và Quảng Trị (2006- 2014).
Ở Việt Nam, đã có 11 ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường như một môn học –giáo dục song ngữ. Trong đó đã có những chương trình rất thành công do tỷ lệ học sinh không đăng ký đến trường, bỏ khọc, và ở lại lớp giảm hẳn. Tiêu biểu cho những chương trình này như tiếng Cham ở Ninh Thuận, Bình Thuận; tiếng Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh…; Tiếng Hmong ở Lào Cai, Nghệ An… Nhiều chương trình đã phát huy tác dụng trên 30 năm. Tuy nhiên, một số ít chương trình tiếng dân tộc thiểu số tại Viêt Nam, không đáp ứng được nhu cầu, cần điều chỉnh để có hiệu quả hơn. Hơn 30 nhóm thiểu số khác mà số học sinh bỏ học, không đến trường, và ở lại lớp khá cao. Đối với nhóm này, áp dụng chương trình tiếng mẹ đẻ- giáo dục song ngữ/ đa ngữ là rất cần thiết. Nếu các tổ chức hay dự án phi chính phủ muốn có thí điểm như các dự án ở Châu Á Thái Bình Dương, nên tập chú vào nhóm này. Các dự án sẽ thuyết phục được chính phủ một khi sau dự án tình hình bỏ học, ở lại lớp, và chất lượng học của học sinh nhóm này được cải thiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hoàng Thị Châu. Tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Baker, C. (2011). Foundations of bilingual education and bilingualism (5th ed.). New York: Multilingual Matters Ltd.
Anh, N. (2012). Teaching in ethnic minority languages. Education and Era online.
Cummins, J. (1995). Power and pedagogy in the education of language minority students. In J. Frederickson (Ed.), Reclaiming our voices. Ontario, CA: California Association for Bilingual Education.
Đinh Lê Yên (2012). Chuyển biến tích cực trong dạy tiếng dân tộc trong trường phổ thông. From http://gdtd.vn/channel/2741/201110/Chuyen-bien-tich-cuc-trong-day-tieng-dan-toc-thieu-so-trong-truong-pho-thong-1954299/
UNICEF. 2010. Program Brief: Action research on Mother Tongue-Based Bilingual Education creating learning opportunities for ethnic minority children. From http://www.unicef.org/vietnam/Tomtatchuongtrinh_Engl-final.pdf