1.
Lời mở:
Trước tiên tôi xin minh định lại rằng Akhar
thrah phổ thông (ATPT) không phải là sản phẩm của tôi - Tiến Sĩ Quãng Đại Cẩn.
Đó là thành quả của tiền nhân Chăm. Họ đã bỏ công nghiên cứu, hội thảo và thẩm
định trong một thời gian dài để chuẩn hóa và ra sách cho học sinh cấp một học
và hiểu một cách trong sáng và dễ dàng. Nhiệm vụ của tôi là thẩm định lại hai
điều: (1) Ban Biên Soạn Sách Chữ Cham (BBS) có chế tạo ký tự mới hay không? (2)
Học ATPT có đọc được ATTT hay không?
2.
BBS có chế tạo ký tự mới hay không?
Những bằng chứng tôi đưa ra có được chấp nhận
hay không đó là quan niệm và nhận định của mỗi người. Nhiệm vụ của tôi là chứng
minh rằng những quy luật chính tả của BBS đã được tiền nhân Chăm sử dụng trước
cả trăm năm hoặc ít nhất là trước khi BBS ra đời. BBS thấy hay và phù hợp cho học
sinh nên chọn. Rồi hội thảo, rồi thẩm định, và dùng trong trường tiểu học. Đặc
biệt những từ và cách viết trong Từ điển Cham Francais AC, 1906. Không phải tác
giả trong từ điển AC sai, mà là họ đã làm một cách khoa học là ghi lại toàn bộ
sự khác biệt, đó là cái quý nhất của AC - chấp nhận sự khác biệt. Lấy cơ sở nào
nói là đúng hay sai? AC là một cuốn từ điển tư liệu, ghi lại mọi từ, mọi cách
viết dựa vào nhiều văn bản cổ. Khi được đưa vào từ điển chứng tỏ đã có nhiều
người sử dụng.
Trong khoa học làm sao biết được nhiều người
là đúng và ít người là sai? Khi Galileo chứng minh trái đất hình tròn và quay
quanh mặt trời chứ trái đất không phải là trung tâm vũ trụ, thì toàn bộ người
thời ấy chưa biết. Nhưng cuối cùng thì chỉ có Galileo là đúng. Cũng như bây giờ
nhiều giáo viên và học sinh đang sử dụng ATPT nhưng chắc gì anh Karim và Dharma
sai? Cái mà tôi muốn chứng minh ở đây là BBS không chế biến mà là thừa kế những
khám phá của những tiền nhân đi trước. Nhiều qui luật đã được tiền nhân trước
thời BBS sử dụng, hay xa hơn nữa là trước thời AC-1906. Họ tuy là số ít nhưng
làm sao biết được họ không phải là những trí thức hàng đầu và tiên phong giống
như Galileo? Họ là những người đọc và viết hàng ngày. Có thể họ nhận ra sự bất ổn
của ATTT nên đưa ra những qui luật mới. Vì họ có thể là những trí thức hàng đầu
và giả sử Champa còn, biết đâu chừng những khám phá của họ đã góp phần chuẩn
hóa AT trước thời BBS. Nói như thế để thấy rằng BBS đã kế thừa những khám phá của
tiền nhân Chăm. Và không ai có đủ tư cách để kết tội tiền nhân một cách dã man
như những người chống đối đã làm. Đau buồn lắm thay!
Có ngôn ngữ nào bất biến theo thời gian? Có
ngôn ngữ nào không cần chuẩn hóa từ khi sinh ra đến trăm năm hay ngàn năm sau nữa?
Chẳng lẽ người sử dụng chữ Hán chửi người sáng tạo chữ Nôm? Chẳng lẽ người sử dụng
chữ Nôm chửi người sử dụng Quốc Ngữ? Chẳng lẽ Alexandre de Rhodes lại chửi những
người chuẩn hóa chữ Quốc Ngữ hiện hành? Cả ATTT hay ATPT đều có những giới hạn
nhất định. Nói đúng hơn là AT Chăm chưa thật sự ổn định. Quan trọng hơn cả là tấm
lòng, là thái độ và là cách hành xử mà thôi. Làm thế nào để con em Chăm đọc, viết,
và nói được tiếng Chăm mới là điều cốt lõi.
3.
Học ATPT có đọc được ATTT hay không?
ATPT đọc được ATTT là điều tất nhiên không cần
phải chứng minh. Trả lời tôi, anh Karim cũng đã viết rằng AT của BBS sao chép
hoàn toàn từ ATTT nên có đầy đủ âm vần của ATTT. Nghĩa là biết đọc ATPT sẽ đọc
được ATTT. Trong thực tế, ATPT là ATTT cộng thêm ba vần (poh gak, croh ao không
darsa, balau trên darsa dar dua). Nói đúng hơn ATTT nằm gọn trong ATPT. Nếu nói
học ATTT thì có thể viết văn làm thơ, còn ATPT thì không thể viết văn làm thơ,
thì đó là chuyện cười hoàn hảo nhất. Viết văn làm thơ là khả năng thiên phú hoặc
rèn luyện của mỗi người. Cả ngàn người học ATTT nhưng chỉ vài người viết văn
làm thơ. Như thế ta nói rằng học ATTT không thể viết văn làm thơ à? Sao lại nói
như thế được!
Rồi lại nói học sinh học 5 năm ATPT không bằng
sinh viên học 3 tháng ATTT. Tại sao lại so sánh sinh viên và học sinh tiểu học?
Trong vòng một tuần, sinh viên có thể đọc tất cả các sách giáo khoa của bậc tiểu
học và hiểu rõ cặn kẽ. Liệu học sinh tiểu học có làm được điều đó không? Tại sao
đem sức học của của con nít so sánh với 3 tháng học của sinh viên? Hơn nữa nhiều
sinh viên đã học chữ ATPT ở bậc tiểu học rồi, nay chỉ cần ôn lại là biết ngay.
Muốn so sánh giỏi dở, người ta bắt đầu từ hai sự tương đương. Ví dụ cụ thể như
sau: Lấy một nhóm sinh viên ngang nhau về kiến thức, ngang nhau về sức học,
ngang nhau về khả năng ngôn ngữ, ngang nhau về kiến thức văn hoá và chữ viết
Chăm. Chia họ ra thành hai nhóm, một nhóm cho học ATTT và một nhóm cho học
ATPT. Sau 3 tháng, kiểm tra lại kiến thức của hai nhóm rồi so sánh để đưa ra kết
luận. Đấy mới là cách so sánh khoa học.
Nhận định một vấn đề gì ta phải nhận định bằng
kiến thức và tình thần trong sáng và khách quan để người đọc người nghe còn
trân quí. Người biết từ vựng nhiều thì hiểu nhiều còn biết từ vựng ít thì hiểu
ít chứ không thể so sánh sinh viên và học sinh cấp một được. Nhận diện được vấn
đề này bản thân tôi cùng nhiều phụ huynh khác đã tìm cách kiến nghị đưa chữ
Chăm lên cấp hai cấp ba theo như quy định của chính phủ. Như thế thì sau này
chúng ta không cần phổ cập hay tái xóa mù chữ cho sinh viên.
4.
Kết Luận:
Khi thảo luận cả hai nhóm đều có mục đích
riêng thì sẽ không có hồi kết. Mục đích của các anh là gì thì các anh cứ tiếp tục
theo đuổi. Còn mục đích của tôi thì chỉ để thẩm định hai điều và đã có kết quả
đó là:
1. BBS không chế biến mà là kế thừa có chọn lựa thành quả của các bậc tiền nhân đi trước.
2. Học ATPT vẫn đọc được ATTT.
1. BBS không chế biến mà là kế thừa có chọn lựa thành quả của các bậc tiền nhân đi trước.
2. Học ATPT vẫn đọc được ATTT.
Quan trọng nhất hiện nay là làm sao đưa
chương trình tiếng Chăm lên trung học và cấp học cao hơn. Khuyến khích sinh
viên tham gia tích cực hơn vào các lớp AT của Chi Hội Chăm Sài Gòn. Kiến nghị
cho chương trình tự dạy tự học trong các làng Chăm mà không bị ai làm khó dễ.
Truyền Thống cũng được, Phổ Thông cũng được- tuy hai mà là một.
Siam mưkrư,
T.S. Quảng Đại Cẩn
No comments:
Post a Comment