Friday, 28 February 2014

NÉT KHU BIỆT NGHĨA NGẮN DÀI TRONG TIẾNG CHAM

TS Quảng Đại Cẩn

I.Khái quát
Ngoài nét khu biệt nghĩa langlikuuk[1], tiếng Cham còn có nét khu biệt đặc thù nữa là: Ngắn dài. Bài tiểu luận này muốn làm rõ: Khu biệt nghĩa ngắn dài là gì? Có hay không tồn tại khu biệt nghĩa ngắn dài trong lịch sử phát triển tiếng Cham.
Để nhận rõ hiện tượng khu biệt nghĩa ngắn dài rất cần nắm vững các khái niệm sau:
Âm tố: là đơn  vị ngữ  âm nhỏ nhất của lời nói, là phát âm cụ thể của một âm vị. Âm tố có tính cụ thể và được tiếp nhận bằng thính giác, nên có tính chất cá thể. Do đó âm tố, thường bao gồm cả nét phương ngữ, là nét không khu biệt hay biến thể tự do. Âm tố được ghi lại bằng ký hiệu []. Ví dụ khi phát âm tiết [nao] (đi), và [rao] (rửa), ta thấy có sự khác nhau. Rõ ràng là do [n] và [r] gây ra. Khi phân tích các âm tiết trên thành những yếu tố nhỏ hơn, [nao] do [n], [a], [o] hợp thành, và [rao] do [r], [a], [o] hợp thành. Người ta gọi các  yếu tố tách ra khỏi hai âm tiết đó là các âm tố. dùng  để:[r], [n], [a], và [o].
Âm [r] trong [rao] ở miền trung và miền nam có những phát âm khác nhau. Hơn nữa, sự phát âm [r] của mỗi người và ngay ở một người, trong những thời điểm khác nhau, cũng có sự khác nhau.
Âm vị: Âm vị là nét chung khái quát nhất của âm tố, là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ có khả năng tạo nên sự khác biệt về nghĩa của một đơn vị âm thanh nhỏ nhất mang nghĩa. Âm vị là hữu hạn và được ghi lại bằng ký hiệu //. Ví dụ: Xét những cặp tối thiểu sau để luận ra những âm vị, nét  khu biệt: /m/ trong mat và /b/ trong bat với tiếng Anh. Tiếng Việt: /đ/ trong đan và /t/ trong tan. Tiếng Cham /g/ trong lag (rượu) và /k/ trong lak (lặp).
Hình vị: Hình vị là đơn vị nhỏ nhất của một chuổi lời nói có mang nghĩa. Còn gọi là từ. Ví  dụ: trong lời nói “Dahlak nao daraak pagê ni” có thể phân tích thành 5 hình vị có nghĩa là “Dahlak / nao / daraak / pagê / ni”. Hình vị tiếng Cham có lúc có một hay nhiều âm tiết. Cho dù âm tố có đa dạng nhưng âm vị là hữu hạn nhất định. Âm vị và hình vị là yếu tố tương đối ổn định, tồn tại độc lập với chữ viết. Cho dù ngôn ngữ đó có được thể hiện bằng nhiều kiểu văn tự  khác nhau, âm vị và hình vị của ngôn ngữ vẫn không có sự khác biệt và  không bao giờ bị đảo lộn.

II. Khu biệt ngĩa về mặt âm thanh
Hiện tượng khu biệt nghĩa ngắn dài âm tiết chính thể hiện trong những từ trong những phát ngôn ở ví dụ sau:
Trong những cặp tối thiểu này, sự ngắn dài của âm chính tạo nên sự khác nghĩa. Dù phát âm ở các vùng miền, cá nhân có thể khác nhau, nhưng cặp tối thiểu này luôn luôn tồn tại. xét những cặp phát âm sau:
[bal] ( thủ đô) [baal] (vá)
[cơk] (núi) [cơơk] (khoát lác)
[gok] (nồi) [gook] (gặp)
[hak] (ủa) [haak] (xé)
[kalơp] (xếp, gấp, nhào, chúi) [kalơơp] (con mối cánh)
[klak] (xưa, cũ) [klaak] (từ bỏ)
[mok] (con mọt), [mook] (ăn vội)
[rik] (cỗ, xưa) [riik] (cá khô)
[rơp] (khởi sự) [rơơp] (làm xây (tổ))
[that] (tươi) [thaat] (thề nguyền)
[thơp] (bao phủ) [thơơp] (lót)
[tal] (tới, lớp) [taal] (lỏi (cày))
[vak] (con cút, viết, treo) [vaak] (cái thêu, xẻng, gỡ, xa quấn chỉ)
Hoặc là nếu thay một từ bất kỳ bằng một âm đối nghịch ngắn bằng âm dài hoặc âm dài bằng âm ngắn thì sẽ tạo nên một đơn vị không mang nghĩa như. Có đến hàng ngàn cặp tối thiểu như vậy trong tiếng Cham:
[gog] (gốc)/ [goog] (không nghĩa)
[galag] (vỗ)/ [galaag] (không nghĩa)
[kalan] (đền)/ [kalaan] (không nghĩa)
[katoog] thay bằng o ngắn, [katog] không có nghĩa.
Tương tự với sự thay thế đối nghịch dài ngắn tương ứng sẽ có đơn vị mới không mang nghĩa.
Rất nhiều cặp tương tự như:
[jag] (khôn)/ [jag] (không nghĩa)
[kalog] (súc gỗ)/ [kaloog] (không nghĩa)
[trong] (trái cà)/  [troong] (không nghĩa)
[log] (móc)/ [loog] (không nghĩa)
[tul] (nệm)/ [tuul] (không nghĩa)
[utan] (người rừng)/ [utaan] (không nghĩa)
[wag] (số mệnh)/ [waag] (không nghĩa)
[yar] (rặn)/ [yaar] (không nghĩa)
Chính sự biến nghĩa hay mất nghĩa của một đơn vị âm thanh, khi thay đổi âm chính bằng những cặp ngắn dài là yếu tố khu biệt nghĩa. Nếu những cặp âm trên cùng nghĩa thì phát ngôn Cham không có ngắn dài.

III. Vài ngộ nhận về khu biệt nghĩa ngắn dài

1. Âm dài do langlikuuk mềm hóa các âm chính
Langlikuuk có âm vực thấp thường đồng hóa các âm chính thành âm vực thấp, chứ không thể đồng hóa để biến âm chính thành âm dài được. Tiếng Cham không có hiện tượng biến thái âm vị từ âm ngắn thành âm dài. Vì thực tế có rất nhiều từ có langlikuuk nhưng ânm chính vẫn ngắn, hoặc vừa ngắn vừa dài với nghĩa khác nhau. Ví dụ: [ratak] (khắc chạm)/ [rataak] (đậu); [lamưk] (mỡ)/ [lamưưk] (chừa); [girak] (trói, vòi vĩnh)/ [garaak] (giạng); taklơp (màu đỏ tươi)/ taklơơp (tốp trâu đạp trên một nhã lúa); [kalok] (chai, lọ) [kalook] (lột, gỡ).
hoặc có langlikuuk thì âm ngắn, không langlikuuk thì âm dài, như: arong (lung)/ roong (nuôi); tong (núm, ung thư)/ ritong (cá lòng tong)/ atoong (đánh); aduk (phòng)/ duuk (tên một loài ong); alok (thửa (ruộng))/ look (lột); hang (chim hăng)/ haang (bờ).
Từ những ví dụ trên cho thấy langlikuuk không làn dài (mềm) hay ngắn (cứng) âm chính được.

2. Ngắn dài do phương ngữ
Chỉ khi nào địa phương này đọc ngắn và địa phương khác đọc dài cho cùng một hình vị (cùng nghĩa). Không bao giờ tìm thấy một ví dụ như vậy. Ở đâu cũng có những cặp (hay bộ ba) tối thiểu khác nghĩa nhau:
luk (thoa)/ luuk (khờ dại)/ lug (lõm); gak (tranh)/ gaak (dạng)/ cagag (cây xà gạt);
drak (xỉa, xỉa xói)/ draak (gieo); akok (đầu)/ kook (trắng)/ kog (tên trâu kog)/ koog (cót lợp nhà)
taduk (mầm)/ taduuk (phần cuối, đuôi); jak (đạp)/ jaak (rủ); rak (gân, sợi)/ raak (hắc lào, nẩy nở)/ raag (quỷ, chằn)

III. Khu biệt nghĩa xét về mặt văn tự
Điều này đã được thể hiện triệt để, nhất quán trong hệ thống văn tự Akhar Thrah phổ thông đang dạy trong nhà trường hiện nay. Các cách viết khác không thể hiện hết âm thanh của lời nói xem như là không đúng chính tả.
Hiện tượng khu biệt nghĩa ngắn dài được thể hiện thế nào trong lịch sử văn tự Cham?:
Trong mẫu tự Sancrit trong các văn bản Cham cổ luôn có cặp ngắn dài, âm dài có kí hiệu phân biệt. Khi chuyễn tự sang Latinh có dấu ngang trên đầu như: a, ā, u, ū, i, ī.
Trong từ điển Aymonier cabaton chủ biên:
[omkār] (bùa homkar) (tr. 38); [rūp] (thân) (tr.420); [jūk] (đen) (tr. 151); [kabāk] (đi bộ) (tr. 58)
Trong Từ điển G. Moussay chủ biên :
[atūk] (đốt, lóng) (tr. 15); [mưrūp] (biến mất) (tr. 222); [prāp tarāp] (lan tràn) (tr. 281); [birāk] (bắc) (tr. 325)
Trong từ điển Bùi Khánh Thế chủ biên:
[tanūk] (que lăn con cúi) (tr. 277); [rabūk] (bão) (tr. 625); [katūk] (địt, rấm); [raan] (cố gắng) (tr. 623); [raak] (đâm, nẩy, nở) (616).
Trong các bài báo của TS Graham Thurgood, tập nhạc Jayam-Jakhoa, và các tham luận của TS Quảng Đại Cẩn: âm dài được thể hiện bằng cách gấp đôi nguyên âm đó. Đó là xu thế để dễ sử dụng trong giao tiếp internet và in ấn: [aa, uu, ưư, ơơ, ii, ee, oo].
Các yếu tố biến thể tự do (phương ngữ) đã tn tại nhiều cách viết như:
Tuai, tôy, tôaiy (khách); (ha)njuôơl, njuơl, njuôl, njôl (nhẹ); apuei, apuy (lữa). Không thể cho cách này là đúng, cách khác là sai, vì chúng đã được dùng và liệt kê trong các từ điển. Do đó cách viết đơn giản hợp lý hơn đã được chọn. Đó là xu thế chung của ngôn ngữ là đơn giản hóa để tồn tại và phắt triển. Nhìn vào cách viết, hay chính tả, người đọc có thể biết là văn bản này được viết vào thời nào.

IV. Kết Luận
Tóm lại, khu biệt nghĩa ngắn dài trong tiếng Cham là rất phổ biến. Nó bộc lộ rõ trong các phát âm của người Cham ở tất cả các vùng miền, cả với người Raglai, Churu, Edê và Jarai. Dù được diễn tả trong văn tự hay không thì nét khu biệt ngắn dài vẫn tồn tại. Một số người cho rằng văn tự Akhar Thrah truyền thống không viết phân biệt ngắn dài, cho nên họ nhầm là phát ngôn tiếng Cham không có ngắn dài. Viết một âm ngắn mà đọc thành vừa ngắn vừa dài mang nhiều nghĩa là viết sai chính tả, dễ gây ngộ nhận. Người đọc cần phải suy luận và thậm chí hiểu sai ý người viết. Dùng văn tự biểu hiện nhất quán nét khu biệt ngắn dài là phù hợp với luật chính tả. Trong thực tế hiện tượng khu biệt ngắn dài đã xuất hiện trong các hệ thống văn tự Cham, từ Sanscrit, Akhar Thrah truyền thống, phổ thông, Jawi và Latinh trong các trang từ điển. Akhat Thrah phổ thông đang sử dụng trong nhà trường hơn 35 năm qua có viết phân biệt ngắn dài 7 âm chính /a, u, ư, ơ, o, e, i/ đã tỏ ra rất khoa học và ưu việt. Đó chính là chính tả Cham, đã giúp tiếng Cham trong sáng dễ hiểu, đễ đọc dễ viết hơn. Chính tả chuẩn giúp tiếng Cham hành chức hiệu quả trong giao tiếp và phát triển. Không nên vì viết đúng hay sai chính tả mà bất đồng và phe nhóm. Dù Latinh hay Jawi hay Rumi hay Akhar Thrah cũng là tiếng Cham, chữ Cham, cần phát huy để tiếng Cham phát triển.

SÁCH THAM KHẢO
Aymonier E. & Cabaton A. (1906). Dictionaire Cam – Francais, L’ecole Francaise D’exttreme-Orient, Volume VII.
Bùi Khánh Thế, Phú Trạm, Quảng Đại cẩn (1996). Từ Điển Việt – Chăm. Nxb Khoa học xã hội.
Graham Thurgood (1999). From ancient Cham to modern dialects: two thousand years of language contact and change : with an appendix of Chamic reconstructions and loanwords. University of Hawaii Press.
JaYam Padra & JaKhwa Cauk (2009). Panôc dôm kadha doh Cham. Hội dân tộc học Tp Hồ Chí Minh, Chi hội dân tộc Cham
Moussay G., Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm gia Tịnh, & Trượng Văn Tốn. (1971). Từ Điển Chăm - Việt – Pháp, Phanrang.
Omniglot (1912). Sanscrit, from http://www.omniglot.com/writing/sanskrit.htm
Xtankevich N. V. (1982). Loại hình các ngôn ngữ. NXB Đại học và THCN (Tr. 38- 43).




[1] Latinh sử dụng trong bài là cách chuyển ngữ từ Aklhar Thrah của TS Quảng Đại Cẩn để thuận tiện.

No comments: