Wednesday 1 December 2010

Các trí thức Cham trên diễn đàn điện tử đang bảo tồn tiếng Việt

Lời mở:
Nhiều trí thức Cham đang hô hào và tranh giành nhau bảo tồn văn hóa Cham, bảo tồn ngôn ngữ Cham hoặc là “đấu tranh cho văn hóa Cham” v.v., nhưng họ đang hăng say ngày đêm miệt mài bảo tồn tiếng Việt, mà thực chất là đang vô tình giết chết tiếng Cham thân thương của họ. Chuyện cứ như đùa mà có thật đang diễn ra hằng ngày mạnh mẽ, vô tư và hoành tráng trên các điện thư giữa người Cham với người Cham.
Nguyên nhân trực tiếp của tử ngữ:
Theo các nhà ngôn ngữ xã hội học, giáo dục học, như Colin Baker [1], Joshua Fishman [2], và Jim Cummin, đều có chung một quan điểm vế nguyên nhân trực tiếp của cái chết, sự biến mất của các ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số. Đó là do:
1/. Các cá nhân không sử dụng tiếng đó trong giao tiếp viết hay nói giữa những người đồng tộc với nhau, trong không gian sinh hoạt của cộng đồng.
2/. Các cá nhân trong cộng đồng ngôn ngữ đó không còn yêu mến tiếng mẹ đẻ của họ nữa, hoặc yêu quá yếu, không đủ mạnh để vượt qua được những trở ngại trong giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
3/. Các cá nhân trong cộng đồng ngôn ngữ đó thấy thích thú hơn khi vay mượn tiếng dân tộc khác để giao tiếp với người đồng tộc. Khả năng ngôn ngữ của họ đối với tiếng vay mượn tốt hơn tiếng mẹ đẻ và họ cảm thấy thoải mái khi sử dụng tiếng đó.
Gương nhãn tiền:
Hàng ngàn ngôn ngữ (5.300 ngôn ngữ) đã chết đi đều do nguyên nhân này mà ra, giảm dần số lượng người nói, cho đến khi người cuối cùng có thể nói tiếng đó chết đi, hoặc người bản ngữ không còn nói viết tiếng mẹ đẻ của họ nữa, thì ngôn ngữ đó xem như chấm hết. Ví dụ: Không còn ai nói đươc tiếng người tiếng thổ dân Úc như Amurdag, tiếng người bản địa Hoa Kỳ như Navajo, Chorockee [3], dù đã được chính phủ Mỹ đầu tư rất nhiều tiền của để khôi phục. Không phải lỗi do sự bành trướng của tiếng Anh, mà do các cá nhân, lớn tuổi, ưu tú và trí thức của cộng đồng đó, là người có thể sử dụng tiếng đó tốt hơn ai hết, không muốn sử dụng tiếng đó giao tiếp trong nội bộ cộng đồng với nhau nữa, mà thay bằng tiếng Anh. Họ tự giết chết ngôn ngữ mẹ đẻ của chính họ và vô tình góp phần truyền bá tiếng Anh.
Nội dung trao đổi là nhất định nếu họ thường xuyên dùng phương tiện ngôn ngữ nào để giao tiếp thì khả năng ngôn ngữ đó của họ ngày càng tăng lên, họ cảm thấy thoải mái hơn và dần dần yêu thương ngôn ngữ đó nhiều hơn dù không là tiếng mẹ đẻ của họ. Họ đang vô tình hay cố ý thay đổi luôn màu da của họ là người Anh, Mỹ chứ không còn là Thổ dân Úc hay Bản địa Mỹ.
Thân phận tiếng Cham:
Trong hoàn cảnh của ngôn ngữ thiểu số như Cham, nếu các cá nhân, được xem là có khả năng tốt về nói và viết tiếng mẹ đẻ, vay mượn tiếng phổ thông để giao tiếp sẽ tác động rất mạnh đến các cá nhân bình thường khác trong cộng đồng nhất là lớp người trẻ. Việc các trí thức hang đầu của Cham trao đổi với người Cham về chuyện liên quan tới Cham, không dùng tiếng Cham sẽ tác động trực tiếp đến tấng lớp trẻ và cả cộng đồng. Họ có thể hiểu đó là thông điệp: “chỉ cần nói to hoặc cải nhau to là mình dang bảo tồn tiếng Cham là đủ rồi, chứ không cần, nói và làm song hành, sử dụng trực tiếp tiếng Cham trong giao tiếp với nhau”.
Hơn thế nữa, cơ chế truyền bá ngôn ngữ duy nhất của cộng đồng thiểu số là NHÌN người lớn nói, viết để mà LÀM THEO và TRUYỀN LẠI cho các thế hệ tiếp theo. người trẻ không có cơ hội học ở lớp đàn anh trí thức Cham cách nói và viết tiếng Cham, cách yêu thương và cách truyền bá tiếng mẹ đẻ cho thế hệ tiếp theo. Lớp người trẻ đang nhìn thấy các bậc đàn anh của mình đang say mê bảo tồn tiếng Việt, đang góp sức không công rất hiệu quả với Nguyễn Ngọc Ngạn, Cao Kỳ Duyên và Văn Sơn, bảo tồn tiếng Việt tại Hoa Kỳ.
Trong hoàn cảnh của Cham, không có sự hổ trợ của cơ quan quyền lực nào đó, phương tiện truyền thông đại chúng, sách báo phim ảnh, Karaoke, như các ngôn ngữ phổ thông khác, đó là tiếng Anh và tiếng Việt. Hằnng ngày con em chúng ta phải học, phải tiếp súc và phải sử dụng tiếng phổ thông, chúng giỏi tiếng Việt, tiếng Anh là đương nhiên và hệ quả là cơ hội để tiếp súc và sử dụng tiếng mẹ đẻ Cham sẽ bị giảm sút rất nhiều.
Hầu như cơ hội hiếm hoi duy nhất cho các em nhìn, tiếp thu, và thực hành tiếng Cham là lúc giao lưu trực tiếp giữa người Cham với nhau trong vòng tay đồng tộc, trong gia đình. Nếu trong những dịp này chúng ta còn hạn chế dùng tiếng Cham thì làm sao chúng ta truyền bá được tiếng Cham cho con cháu mai sau. Các trao đổi trên điện thư, website Cham giữa người Cham với nhau là cơ hội tốt cho lớp người Cham trẻ, lớp người kế thừa thấy những hình thức trao đổi tự nhiên hằng ngày giữa người Cham với nhau làm thế nào đễ truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Nên chăng, chúng ta thực hiện bằng tiếng Cham, cùng rèn luyện và học tập sử dụng với nhau, miễn sao đọc được hiểu được. Sử dụng mẫu tự nào cũng được, Latinh theo cách cá nhân mình thấy hay, Akhar tharh, hay Jawi cũng nên chấp nhận. Không đọc được thì thư riêng hỏi lại. Dần dần tự chúng ta sẽ có cách viết chung.
Habier drei ngui sap Cham?
Thực tế cho thấy rằng các trí thức hàng đầu của Cham hoàn toàn có tình yêu tiếng mẹ đẻ mãnh liệt, khả năng ngôn ngữ dồi dào, có khả năng trao đổi bằng tiếng Cham, họ đang muốn bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Cham. Nhưng nhìn vào các điện thư giữa họ- người đồng tộc Cham- với nhau, hầu hết bằng tiếng Việt, (ngoại trừ một số trao đổi trên inrasara.com mục sáng tác tiếng Cham, Gilai praung.com mục hát Karaoke Cham, nguoicham.com, mục học tiếng Cham va Champaka.com, mục nói tiếng Cham khá hay) người đọc hiểu thế nào đây. Phải chăng họ, trí thức Cham, đang say mê bảo tồn tiếng Việt và góp phần đưa tiếng Cham vào Viện bảo tàng? nơi cư trú lâu dài của các tử ngữ. Câu hỏi là, “khi nào thì họ, trí thức Cham, có động tác cho tiếng Cham hơi thở?” có lẽ không chỉ cho trí thức hàng dầu mà luôn hiện hữu phía trước cho cả cộng đồng Chăm. Bởi sẽ là quá muộn nếu “Tiếng Cham mất đi tức là người Cham vĩnh viển biến mất trên trái đất này, dù rằng họ còn sống đó nhưng mà đã là người Việt, hay người Mỹ rồi”

Quang Can

Sách Tham khảo:
Colin Baker. Foundation of Bilingual education and bilingualism, (2006)
Colin Baker, and Sylvia Prys Jones. Encyclopedia of Bilingualism and bilingual education, (1998)

[1] Tiến sĩ Colin Baker là giáo sư tại Đại học Giáo dục Bangor, Anh Quốc. Ông là tác giả của mười lăm cuốn sách và hơn năm mươi bài viết về song ngữ và giáo dục song ngữ, nhất là quy hoạch ngôn ngữ và giáo dục song ngữ. Ông là biên tập viên của Tạp chí quốc tế song ngữ, Giáo dục song ngữ và vấn đề đa ngôn ngữ. Ông là thành viên của Hội đồng đánh giá và chương trình giảng dạy Tiếng Xứ Wales, Anh Quốc. sách giáo khoa Cơ sở của giáo dục song ngữ và song ngữ của ông (vấn đề đa ngôn ngữ, năm 1993, 1996, 2001, 2006), bán được trên 50.000 bản và đang chuẩn bị tái bản lần thứ năm, đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, Latvia, Hy Lạp, và tiếng Quan Thoại. Năm 1994, phiên bản đầu tiên giành được giải thưởng là "sách hay nhất năm 1993”. Bách khoa toàn thư về song ngữ và Giáo dục song ngữ (đa ngữ) viế chung với Prys Jones được giải thưởng sách năm 1999 của Hội Ngôn ngữ học ứng dụng Anh. Năm 2000, ông được Hiệp hội Giáo dục song ngữ California vinh danh đặc biệt có công đối với nghiên cứu và hoạt động học thuật.

[2] Tiến sĩ Giáo sư khoa ngôn ngữ và giáo dục song ngữ, đa ngữ trường Đại học New York, giáo sư danh dự Đại học Stanford.

[3] Tiếng nói của người Mỹ bản địa, đã mất dù hiện nay họ có Chính phủ dân sự điều hành công việc văn hóa xã hội.