Friday, 28 February 2014

LUẬT CHÍNH TẢ TIẾNG CHAM: PHÁT TRIỂN HAY LỤI TÀN

TS Quảng Đại Cẩn
I. Định nghĩa
Chính tả là cách viết chữ được coi là chuẩn để người đọc và người viết có thể hiểu chính xác thông điệp giao tiếp. Nó là mực thước, quy ước giao tiếp có tính chất bắt buộc đối với toàn thể cộng đồng ngôn ngữ, là nguồn sống của ngôn ngữ. Sự thống nhất chính tả biểu hiện tính thống nhất của một ngôn ngữ. Chuẩn chính tả không phải là cái bất biến. Vì xã hội luôn phát triển, luôn có chuẩn mới thay cho chuẩn cũ. Chính tả có thể thay đổi từng phần hay toàn diện cả hệ thống văn tự. Khi chuẩn cũ lỗi thời cản trở giao tiếp hiệu quả, dân tộc đó phải mượn ngoại ngữ để giao tiếp, thì chuẩn mới phải ra đời, hợp lý hóa ngôn ngữ đó để tiếp tục được sử dụng. Chuẩn mới ra đời đáp ứng nhu cầu của đời sống, phù hợp với sự phát triển của ngôn ngữ và được xã hội chấp nhận. Chính tả tiếng Việt hay tiếng Cham cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngôn ngữ không cần chuẩn chính tả là ngôn ngữ chết hay ngôn ngữ trong viện bảo tàng. Việc viết sai chính tả là rất bình thường ở tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. (March, 1893)
II. Tại sao một âm vị Cham được biểu thị bằng một ký tự
Đối với ngôn ngữ có loại hình đơn lập[1] (Xtankevich, 1982) như tiếng Cham, tiếng Việt, một ký tự thường được phát âm thành một âm vị. Vì một hình vị không bao giờ biến đổi theo cấu trúc ngữ pháp nên âm vị luôn cố định. Hình vị (từ) của tiếng Cham không bao biến đổi theo số nhiều số ít hay giống đực giống cái như từ trong tiếng Anh, Pháp, Nga,,, (ngôn ngữ biến hình). Chúng Những yếu tố biến hình đó được thay bằng hư từ. Do đó Một ký tự được phát âm thằnh hai âm vị là bất hợp lý. Điều này gây hiểu nhầm và khó khăn trong giao tiếp viết, đã khiến người Cham thường dùng tiếng Việt để giao tiếp và trao đổi trên internet và thư từ.
Từng âm vị với những nét khu biệt cần được thể hiện qua ký tự, hệ thống chữ viết. Sự thể hiện nét khu biệt tiền âm tiết và ngắn dài càng hoàn hảo thì văn tự đó càng hành chức có hiệu quả và càng phát triển song hành vời ngôn ngữ và xã hội. Điều này được thể hiện cụ thể trong luật chính tả của văn tự. Trong quá trình sử dụng con người hoàn thiện dần chính tả để văn tự đó hành chức có hiệu quả hơn trong giao tiếp. Văn tự càng mô tả chính xác lời nói, thì tính hiệu quả trong hành chức giao tiếp càng cao, sẽ phát triển mạnh mẽ và tồn tại lâu dài. Đồng nghĩa với dân tộc đó sẽ tồn tại lâu dài. Ngược lại một văn tự không đáp ứng được yêu cầu hành chức thì sẽ bị lãng quên, đào thải và bị thay thế. Chữ Cham, hoàn cảnh tiếng Cham hiện nay đang cần chuẩn chính tả để  người Cham có thể giao tiếp viết được với nhau thay vì phải dùng tiếngViệt. “Người Cham muốn thành người Việt” là thông điệp khi họ dùng nhiều tiếng việt với nhau trong giao tiếp thư từ và internet. Việc họ luôn nói tự hào là Cham và bảo tồn văn hóa Cham không cứu họ khỏi bị mất gốc. Họ tự nguyện đồng hóa thành người Việt chứ không ai tinh vi đồng hóa họ cả.  
III. Yếu tố bất hợp lý cần chuẩn chính tả
Trước đây văn tự Akhar Thrah Cham có hiện tượng một ký hiệu mà phát âm thành hai âm vị:
(1) phụ âm: viết /l/ nhưng phát âm là [l] hay [g]. Có 5 cặp tương tự như vậy là: /l-g/, /p-s/, /gh-b/, /d-p prong/, /kh-nh/.
(2) viết phụ âm cuối /k/ nhưng phát âm là [k] hay [g].
(3) viết nguyên âm chính /a/ được phát âm là [a] hay [a:]. Có 7 cặp nguyên âm tương tự như  vậy là: /a, a:/, /u, u:/, /ư, ư:/, /ơ, ơ:/, /o, o:/, /e, e:/, và /i, i:/.
Những lỗi trên đã được tự phát khắc phục lẻ tẻ ở một số địa phương. Chính tả Cham chính thức bắt đầu chuẩn từ năm 1964. Từ lỗi số (1) được nhóm Thiên Sanh Cảnh, Lưu Quý Tân và lâm Gia Tịnh…, khắc phục vào năm 1964. Lỗi số (2) và (3) cũng được khắc phục một cách tự giác từ 1978 tới năm 1990 mới hoàn thiện một cách cơ bản và toàn diện. Cả các ký tự 5 phụ âm đầu, một phụ âm cuối, và 7 nguyên âm đều có cách viết hợp lý như đang sử dụng trong nhà trường hiện nay.
Sự thể hiện chuẩn xác tiền âm tiết (langlikuuk), âm ngắn dài (katut atah) trong chính tả Cham chính là sự chuẩn chính tả cần thiết để phát triển như các ngôn ngữ khác. Ngược lại viết một ký tự đọc thành hai âm vị là viết sai chính tả, người đọc phải suy luận có thể sẽ không hiểu hoặc hiểu sai ý người viết. Chính vậy nên AT truyền thống và AT phổ thông của BBSSCC đều là Akhar Thrah, khác nhau ở CHÍNH TẢ. AT truyền thống là chính tả cách đây trên 200 năm và AT phổ thông là chính tả hiện nay phù hợp với nhu cầu giao tiếp và phát triển xã hội. Thực tế chữ Cham đang sử dụng có cả Latinh, Akhar Thrah, Jawi, và Rumi. Văn tự nào cập nhật được chuẩn chính tả sẽ được sử dụng giao tiếp trong đời sống hằng ngày. Duy trì chính tả lỗi thời là giết chết sức sống của ngôn ngữ vì chúng không giao tiếp được như chính tả Akhar Thrah truyền thống không dùng giao tiếp được. Chỉ vì chính tả khác nhau mà tự tạo ra bất đồng và phe nhóm. Thậm chí vài người gán cho người tốt là bút chiến, Chàm gian vì không theo chính tả lỗi thời, mà chính họ cũng không sử dụng được trong giao tiếp..
Vài ngôn ngữ mạnh tiêu biểu, tiếp tục chuẩn chình tả để tăng cường hiệu quả giao tiếp và sức truyền bá của chúng. Tiếng Anh chuẩn chính tả, spelling reform, bắt đầu từ năm 1568 mãi cho đến thập  niên 1920 mới hoàn chỉnh. Cho tới năm 1920, music vẫn còn viết là musick, fantasy còn viết là phantasy (Tauber, 1958). Chính tả Pháp được quan tâm từ năm 1550, nhưng năm 1990 thủ tướng Pháp đã phê duyệt chuẩn chính tả cho khoảng 2000 từ nữa (Susan, 1989). Tiếng Hàn cũng được chuẩn về văn tự từ năm 1913 (King, 1997). Nhiều ví dụ khác không những họ chuẩn về chính tả mà thậm chí thay đổi luôn cả hệ thống văn tự để việc ghi tín hiệu lời nói của ngôn ngữ đó được chuẩn xác. Đó là chữ Rumi thay cho Jawi của Malaysia, chữ latinh thay cho Hán, và Nôm của Việt Nam, chữ rik, Athrah, Jawi, Rumi và Latinh của Cham.
Các yếu tố biến thể tự do (phương ngữ) đã tn tại nhiều cách viết như cho một từ:
Tuai, tôy, tôaiy (khách); (ha)njuôơl, njuơl, njuôl, njôl (nhẹ); apuei, apuy (lữa). Không có cách nào là sai, vì chuẩn chính tả mà chúng ta phải chọn một trong những cách đơn giản hợp lý hơn đã được dùng và liệt kê trong các từ điển. Đó là xu thế chung của ngôn ngữ là đơn giản hóa để tồn tại và phắt triển. Nhìn vào cách viết, hay chính tả, người đọc có thể biết là văn bản này được viết vào thời nào.
IV. Kết Luận
Tóm lại, nét phổ biến và đặc thù của tiếng Cham là khu biệt nghĩa tiền âm tiết và khu biệt nghĩa ngắn dài trong tiếng Cham. Dù trong các phát âm của người Cham có khác nhau nhất định do vùng miền, giới tính và tuổi tác, nhưng nét khu biệt đặc thù trên luôn hiện hữu. Do đó chính tả chuẩn là cách viết hay văn tự nào bộc lộ được tất cả các nét khu biệt nghĩa trên. Dù được diễn tả trong văn tự hay không thì các nét khu biệt nghĩa vẫn tồn tại trong phát ngôn. Thích viết chữ Cham, và tôn trọng luật chính tả là góp phần tăng sức sống cho tiếng Cham, chữ Cham. Viết một từ mà thiếu tiền âm tiết là viết sai chính tả, có thể sẽ khiến người đọc không hiểu hoặc hiểu sai nghĩa từ. Viết một âm ngắn mà đọc thành vừa ngắn vừa dài mang nhiều nghĩa là viết sai chính tả, dễ gây ngộ nhận. Người đọc cần phải suy luận và thậm chí hiểu sai ý người viết. Cho dù có viết khác đi, viết sai chính tả, là điều rất tự nhiên, không nên và không thể dẫn đến bất đồng và phe nhóm. Sự sử dụng nhất quán trong biểu hiện nét khu biệt nghĩa tiền âm tiết và ngắn dài là phù hợp với luật chính tả. Chữ Cham Akhar Thrah phổ thông đang sử dụng trong nhà trường hơn 35 năm qua tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là chuẩn chính tả Cham cơ bản. Đó là chính tả Cham, đã giúp tiếng Cham trong sáng dễ hiểu, đễ đọc dễ viết hơn. Chính tả chuẩn giúp tiếng Cham hành chức hiệu quả trong giao tiếp và phát triển.

SÁCH THAM KHẢO
Aymonier E. & Cabaton A. (1906). Dictionaire Cam – Francais, L’ecole Francaise D’exttreme-Orient, Volume VII.
Bùi Khánh Thế, Phú Trạm, Quảng Đại cẩn (1996). Từ Điển Việt – Chăm. Nxb Khoa học xã hội.
Graham Thurgood (1999). From ancient Cham to modern dialects: two thousand years of language contact and change : with an appendix of Chamic reconstructions and loanwords. University of Hawaii Press.
JaYam Padra & JaKhwa Cauk (2009). Panôc dôm kadha doh Cham. Hội dân tộc học Tp Hồ Chí Minh, Chi hội dân tộc Cham.
King, Ross (1997). "Language, Politics, and Ideology in the Postwar Koreas". In McCann, David R. Korea Briefing: Toward Reunification. M.E. Sharpe. pp. 124–126, 128.
March F. A. (1893). The spelling reform. United States. Bureau of Education.
Moussay G., Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm gia Tịnh, & Trượng Văn Tốn. (1971). Từ Điển Chăm - Việt – Pháp, Phanrang.
Omniglot (1912). Sanscrit, from http://www.omniglot.com/writing/sanskrit.htm
Susan Bađeley. (1989). Spelling reform in France: Past. Present and… Future? Journal of the Simplified Spelling Society, 1989/1 pp.10-12 later designated J10.
Tauber, Abraham: (unpub. thesis), Spelling Reform in the United States, Colombia Univ. 1958. pp. 311.
Xtankevich N. V. (1982). Loại hình các ngôn ngữ. NXB Đại học và THCN (Tr. 38- 43).




[1] Loại hình ngôn ngữ đơn lập Là ngôn ngữ không có hình thái, không biến hình. Đơn vị cơ bản là từ, hình tiết, một đơn vị có nghĩa, không có biến tố do số nhiều số ít, loại, giống đực, cái, giống trung. Quan hệ ngữ pháp không diễn ra ở trong nội bộ từ, chỉ bằng trật tự trước sau của từ, hoặc hư từ. Các từ không biến hình nên không có sự biến thái của các âm vị theo chức năng ngữ pháp. Các ký tự thường có phát âm duy nhất.

No comments: