I. Lời mở
Ba ngày, 6-8 tháng 11 năm 2013, hội thảo quốc tế lần
thứ tư về ngôn ngữ và giáo dục với nội dung Giáo dục đa ngữ cho mọi người,
chính sách, thực tiễn và tiến trình, tại Bangkok, Thái Lan (Multilingual for
all in Asia and the Pacific: Policies, practices, and Proccessies). Sự kiện này
đã đánh dấu một mốc mới trong việc phát triển giáo dục và duy trì ngôn ngữ dân
tộc bản địa/ thiểu số, đang có nguy cơ biến mất. Hơn thế nữa, “… giáo dục song
ngữ/ đa ngữ (GDSN/ ĐN) là rất quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững
vùng châu Á Thái Bình Dương…” như nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thái Lan,
Phongthep Thepkanjana trong diễn văn khai mạc. Căng thẳng ở phía nam và tụt hậu
ở phía bắc Thái Lan đang dần khắc phục và loại bỏ. Sau bảy năm thí điểm, thấy
rõ lợi ích từ giáo dục song ngữ, Chính phủ Thái đã cổ vũ mạnh mẽ chương trình
này. Chính phủ Campuchia, Philippines, Nepal, Burma, và Afghanistan… cũng bắt đầu
có những bộ luật mở đường cho phát triển giáo dục song ngữ/ đa ngữ. Mô hình
giáo dục tam ngữ (tiếng mẹ đẻ, tiếng Hoa, và tiếng Anh) đang được giới học giả
Trung Quốc chú ý như là công cụ hữu hiệu phát triển giáo dục và đất nước. Một
mô hình phát triển bền vững được kiên trì áp dụng tại Singapore từ thập niện
1960 đến ngày nay. Hiện nay nhiều nước đã tập trung phát triển giáo dục song ngữ
và xem đây là phương tiện để tăng cường an ninh quốc gia, phát triển và cạnh
tranh kinh tế.
Giáo dục song ngữ/ đa ngữ là làn gió mới cho sự phát
triển ổn định bền vững vùng Châu Á Thái Bình Dương. Vậy giáo dục song ngữ /đa
ngữ được định nghĩa thế nào trong thực tiễn và thuật ngữ nghiên cứu? Giáo dục
đa ngữ, dùng tiếng mẹ đẻ làm cơ sở (Mother Tongue Based- Multilingual Education
/MTB-MLE) được đề cập trong hội thảo quốc tế lần 4 tại Bangkok, Thái Lan về
ngôn ngữ và giáo dục và dạy tiếng mẹ đẻ như là một môn học tại Việt Nam có gì
khác nhau? Mục tiêu của bài viết này, mong giải đáp được những vướng mắc trên để
giáo dục song ngữ tại Việt Nam đi vào thực chất hơn và đáp ứng hơn nữa yêu cầu
phát triển giáo dục.
II. Định
nghĩa
Giáo dục song ngữ/ đa ngữ bao gồm việc dạy các môn học
trong nhà trường bằng hai hay nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngôn ngữ giảng dạy bằng
tiếng nước ngoài, quốc ngữ, và các tiếng sắc tộc thiểu số/ bản địa với thời lượng
nhất định, trong những phân môn nhất định cấu thành mục đích, thể loại, và hình
thức giáo dục song ngữ/ đa ngữ. Khái niệm Giáo dục song ngữ/ tam ngữ/ đa ngữ được
dùng rất phổ biến hầu như toàn thế giới, trong các quốc gia đa ngữ. Tuy nhiên mỗi
nước có một cách hiểu và áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể của mình với những mô
hình và tên gọi khác nhau. Cá biệt có nơi không xem là họ đang thực hiện giáo dục
song ngữ hay đa ngữ dù có hơn hai ngôn ngữ đang dạy trong trường (vì họ nhầm rằng
song ngữ hay đa ngữ là PHẢI dạy hai hay nhiều thứ tiếng cùng một lúc trong một
lớp học).
III. Mục đích
Giáo dục song ngữ/ đa ngữ thường để giúp học sinh thiểu
số, bản địa (1) chuyển tiếp vào học chương trình chuẩn quốc gia hay/ và (2) bảo
tồn tiếng mẹ đẻ. Mục tiêu của giáo dục song ngữ có thể diễn giải chi tiết như
sau: dùng tiếng mẹ đẻ để dạy chương trình chuẩn quốc gia, giúp học sinh chuyển
tiếp vào chương trình chuẩn quốc gia dễ dàng hơn; giúp học sinh di trú hội nhập
vào xã hộ mới; học tiếng sắc tộc thiểu số/ bản địa để bảo tồn di sản ngôn ngữ,
văn hóa của cộng đồng thiểu số/ bản địa.
IV. Thể thức
giáo dục song ngữ/ đa ngữ (form of
bilingual/ multilingual education).
Căn cứ vào mục tiêu, mức độ, thời lượng (tỷ lệ giảng dạy
so với quốc ngữ) và độ dài của chương trình, các nhà ngữ dụng học chia giáo dục
song ngữ thành các nhóm sau: giáo dục đơn ngữ (non-bilingual education form), giáo
dục song ngữ yếu (weak bilingual education form) và giáo dục song ngữ mạnh
(strong bilingual education form).
IV.1.
Chương trình giáo dục đơn ngữ
Đây là chương trình giáo dục của nước Mỹ trước năm
1965, chỉ giảng dạy duy nhất tiếng Mỹ (American English). Mục đích thống nhất
quốc gia, theo chủ trương quốc ngữ Anh duy nhất (Engish only). Không có chương
trình tiếng nước ngoài hay thiểu số nào được dạy trong nhà trường. Nếu có học
sinh thiểu số gặp khó khăn về ngôn ngữ, được học bổ túc chương trình tiếng Anh
như một ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ (English as second or foreign language).
Từ thập niên 1970 đến nay, và nhất là sau sự kiện 9-11 năm 2001, nước Mỹ xem
giáo dục song ngữ như là giải pháp cho an ninh quốc gia và tăng cường sức cạnh
tranh kinh tế. Nghĩa là thống nhất trong đa ngữ (English plus) thì tốt hơn. Lúc
cực thịnh, đầu thập niên 1980, có 6553 trường dạy chương trình song ngữ với 145
tiếng mẹ đẻ khác nhau (Baker, 2011). Nay, có 343 chương trình giáo dục song ngữ
với trên 10 thứ tiếng được thực hiện tại Mỹ (center for applied linguistics,
2009). Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay có lẽ khó hoặc không tìm thấy mô hình
đơn ngữ này, vì ít nhất một ngoại ngữ được giảng dạy trong nhà trường. Hầu hết
các cá thể và cộng đồng xã hội đều là song ngữ, tam hay đa ngữ. Giáo dục luôn
hướng đến phục vụ, nuôi dưỡng sự phát triển giao tiếp của xã hội.
IV.2.
Chương trình song ngữ yếu
Chương trình có mục đích chuyển tiếp học sinh thiểu số
sang quốc ngữ và giáo dục chuẩn chính khóa quốc gia. Với chương trình này, tiếng
thiểu số chỉ được học trong thời gian ngắn. Khi học sinh có thể học được trong
chương trình chuẩn quốc gia thì tiếng mẹ đẻ cũng hết vai trò. Do đó tiếng mẹ đẻ
có nguy cơ bị lãng quên và thay thế bởi quốc ngữ. Mục tiêu của chương trình này
là đồng hóa, và hội nhập các cộng đồng thiểu số/ bản địa. Chương trình loại này
có tên gọi là giáo dục song ngữ chuyển tiếp (Transitional Bilingual Education)
thường kéo dài từ 1 học kỳ đến 3 năm, nhiều lắm là 5 năm, hay hết bậc tiểu học.
Chúng còn có những tên gọi khác: early exit BE (giáo dục song ngữ ngắn hạn),
mother tongue based, hay content based. Đó là chương trình chính khóa được dạy
hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh trong những lớp riêng để học sinh hiểu
và theo kịp yêu cầu của chương trình. Họ sinh này vẫn học bình thường các
chương trình đó trong các lớp chung. Nếu điểm kiểm tra ở các lớp chung đạt yêu
cầu thì các lớp tiếng mẹ đẻ sẽ chấm dứt. Đa số chương trình song ngữ của Mỹ đều
có mô hình này.
IV.3.
Chương trình giáo dục song ngữ mạnh
Chương trình có mục đích bảo tồn, phát huy ngôn ngữ sắc
tộc thiểu số/ bản địa, phát huy sự đọc thông viết thạo hai hay nhiều ngôn ngữ.
Thực chất là chương trình song ngữ chuyển tiếp được kéo dài ra, và lên đến lớp
9 hay hơn nữa. Chương trình này được xem là sự duy trì cầu nối song ngữ, duy
trì sự thành thạo tiếng mẹ đẻ song hành với chương trình chuẩn quốc gia bằng quốc
ngữ. Không như ở giáo dục song ngữ thể yếu: lớp tiếng mẹ đẻ ngưng sau vài năm.
Chương trình giáo dục song ngữ mạnh, tiếng mẹ đẻ được duy trì từ 5- 10% so với
thời lượng lên lớp (khoảng 1 đến 2 tiết trong một tuần học). Chương trình này
còn được gọi là: Late exit bilingual education, developmental (maintenance)
bilingual education, heritage language bilingual education. Do đó tiếng mẹ đẻ
không bị lãng quên trong tiến trình học quốc ngữ, và không bị nguy cơ thay thế.
Thể thức giáo dục song ngữ mạnh khuyến khích và nuôi dưỡng tình trạng song ngữ/
đa ngữ trong xã hội.
V. Mô hình
thực tiễn trên thế giới
Mô hình và mục đích của giáo dục tiếng mẹ đẻ (giáo dục
song ngữ) trên thế giới rất đa dạng như một số chương trình điển hình được
trình bày sau đây cho thấy một bức tranh chung về giáo dục song ngữ. Mô hình
song ngữ yếu và mục đích cải thiện hiệu quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số
tại Anh quốc, học sinh Nam Á nguồn gốc (Taylor, 1985), nguồn gốc Trung Quốc
(Taylor, 1987b), Việt Nam, Síp, Ý và Ukraina, Romanies. Đó là những ngôn ngữ
khác ngoài tiếng Anh (ngôn ngữ quốc gia), được giảng dạy như một môn học phụ trội,
kèm theo dựa trên nội dung các môn học bằng tiếng Anh (ngôn ngữ quốc gia)
(Martin-Jones, 1984).
Ví dụ của hình thức mạnh và chính sách quảng bá đa ngữ,
tại châu Âu trong chương trình giáo dục những trẻ em di trú (cộng đồng châu Âu,
1977). Tại Đức, Đức Cặp đôi với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng
Hà Lan để tạo ra một mô hình “Đức” của châu Âu đa văn hóa và BE (Masch, 1994).
Tại Brunei, hệ thống trường học Dwibahasa (hai ngôn ngữ) hoạt động thông qua tiếng
Mã Lai (Bahasa Melayu) và tiếng Anh (Jones et al., 1993, Baetens, 1999). Tại
Nigeria, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh, cùng với một trong các ngôn ngữ quốc
gia của Nigeria Hausa, Ibo hoặc Yoruba (Afolayan, 1995). Ở New Zealand, phong
trào Kohanga Reo cung cấp chương trình hoàn toàn bằng tiếng Maori từ lớp đầu cấp
đến hết trung học cho học sinh người Maori (tháng 5, 1996). Một mô hình rất
tiêu biểu kéo dài hơn 60 năm ở Singapore, dạy từ mẫu giáo đến hết trung học. Đó
là tiếng Anh, cộng với các tiếng Manderin, tiếng Mã Lai hoặc Tamil (bốn thứ tiếng
chính thức) (Pakir, 1994).
VI. Giáo dục
song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ
(Mother tongue based- Bilingual Education)
Học sinh cộng đồng bản địa và thiểu số gặp khó khăn về
ngôn ngữ bước đầu đến trường. Tỷ lệ học sinh vùng này bỏ học và ở lại lớp khá
cao trong nhiều năm. Hầu khắc phục khó khăn này, giáo dục song ngữ/ đa ngữ -
dùng tiếng mẹ đẻ làm cơ sở (MTB-MLE), được áp dụng, thực hiện tại một số nước ở
Châu Á Thái Bình Dương trong gần 7 năm qua, nhằm thuyết phục các Chính phủ mở rộng
thành luật giáo dục và áp dụng cho tất cả các cộng đồng bản địa và thiểu số, có
học sinh gặp khó khăn về ngôn ngữ bước đầu đến trường. Chương trình này dùng tiếng
mẹ đẻ của học sinh để dạy nội dung trong chương trình chuẩn quốc gia hay nội
dung văn hóa dân tộc được biên soạn trong giáo trình. Lớp đầu cấp dạy bằng tiếng
mẹ đẻ, tỷ lệ giảm dần so với tiếng quốc ngữ khi lên lớp cao hơn. Ví dụ một số dự
án ở Thái Lan và Campuchia, tỷ lệ tiếng mẹ đẻ/ tiếng quốc gia là: 80/20 ở lớp 1;
50/50 ở lớp 2; 20/80 ở lớp 3; 100% tiếng quốc gia ở lớp 4. Với những cộng đồng
chưa có chữ viết, văn tự quốc gia được áp dụng để mô tả tiếng nói của họ. Ví dụ:
Chữ Thái được dùng trong các dự án ở Thái và chữ Khmer được dùng trong các dự
án ở Campuchia. Cũng là chữ quen thuộc của học sinh, được dùng để biên soạn tài
liệu trong giáo trình giảng dạy trong chương trình này. UNICEF thí điểm thực hiện
giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ ở ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh
(2008-2015). Đó là tiếng Hmông ở Lào Cai, tiếng Jrai ở Gia Lai và tiếng Khmer ở
Trà Vinh. Các tài liệu giáo dục song ngữ như sách giáo khoa, các dụng cụ và đồ
dùng giảng dạy được in bằng các tiếng dân tộc thiểu số cùng với việc tập huấn
các kỹ năng dạy song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho giáo viên mẫu giáo và tiểu
học. Ngoài ra Save Children còn có dự án dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai
theo phương pháp song ngữ cho học sinh thiểu số tại Quảng Ninh, Yên Bái và Quảng
Trị (2006-2014).
Ở Việt Nam, đã có 11 ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường
như một môn học –giáo dục song ngữ. Trong đó đã có những chương trình rất thành
công do tỷ lệ học sinh không đăng ký đến trường, bỏ học, và ở lại lớp giảm hẳn.
Tiêu biểu cho những chương trình này như tiếng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận;
tiếng Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh…; Tiếng Hmông ở Lào Cai, Nghệ An… Nhiều
chương trình đã phát huy tác dụng trên 30 năm. Tuy nhiên, một số ít chương
trình tiếng dân tộc thiểu số tại Viêt Nam, không đáp ứng được nhu cầu, cần điều
chỉnh để có hiệu quả hơn. Hơn 30 nhóm thiểu số khác mà số học sinh bỏ học,
không đến trường, và ở lại lớp khá cao. Đối với nhóm này, áp dụng chương trình
tiếng mẹ đẻ - giáo dục song ngữ/ đa ngữ là rất cần thiết. Nếu các tổ chức hay dự
án phi chính phủ muốn có thí điểm như các dự án ở châu Á Thái Bình Dương, nên tập
chú vào nhóm này. Các dự án sẽ thuyết phục được chính phủ một khi sau dự án
tình hình bỏ học, ở lại lớp, và chất lượng học của học sinh nhóm này được cải
thiện.
PhD CAN QUANG
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1. Hoàng Thị Châu, Tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các
dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
2. Baker, C. (2011), Foundations of bilingual education and bilingualism
(5th ed.), New York: Multilingual Matters Ltd.
3. Anh, N. (2012), Teaching in ethnic minority languages, Education and Era
online.
4. Cummins, J. (1995), Power and pedagogy in the education of language
minority students. In J. Frederickson (Ed.), Reclaiming our voices.
Ontario, CA: California Association for Bilingual Education.
5. Đinh Lê Yên (2012), Chuyển biến tích
cực trong dạy tiếng dân tộc trong trường phổ thông, From
http://gdtd.vn/channel/2741/201110/Chuyen-bien-tich-cuc-trong-day-tieng-dan-toc-thieu-so-trong-truong-pho-thong-1954299/
6. UNICEF 2010, Program Brief: Action research on Mother Tongue-Based
Bilingual Education creating learning opportunities for ethnic minority
children, From http://www.unicef.org/vietnam/Tomtatchuongtrinh_Engl-final.pdf
No comments:
Post a Comment