Thursday 22 December 2011

Hội thảo đánh giá chương trình sách giáo khoa tiếng Chăm

Do Vụ Giáo dục dân tộc(Bộ Giáo dục và Đào tạo)tổ chức.

Ngày 26/11/2011, Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội thảo đánh giá chương trình sách giáo khoa tiếng Chăm tại khách sạn Thống Nhất tỉnh Ninh Thuận.
Tham gia Hội thảo, ngoài chuyên viên của Vụ còn có các tác giả bộ sách giáo khoa tiếng Chăm, đại diện Sở giáo dục- Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Ban giám hiệu các trường dạy học tiếng Chăm và giáo viên trực tiếp dạy tiếng Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đại biểu đã thảo luận, đánh giá một cách nghiêm túc những ưu điểm, hạn chế chương trình tiếng Chăm tiểu học số 74/2008/QĐ-BGDT ngày 26/12/2008 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Theo đó, chương trình có nhiều ưu điểm, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu dạy học tiếng Chăm cấp tiểu học. Những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ chữ viết Chăm được phân bố vừa phải cho 5 bộ sách từ quyển 1 cho đến quyển 5. Hạn chế lớn nhất của chương trình là việc cân đối các âm vần tiếng Chăm dồn nhiều vào quyển 2 gây khó khăn cho việc tiếp thu của học sinh-đặc biệt là đối với các nơi chỉ dạy 3 tiết/tuần.Thứ tự bài học một số phân môn luyện từ và câu, tập làm văn Chăm 4,5 chưa hợp lý.
Về bộ sách giáo khoa, Hội thảo đã đánh giá cao 5 bộ sách giáo khoa tiếng Chăm cả về hình thức lẫn nội dung. Bộ sách đã triển khai đúng tinh thần chương trình 74/2008/QĐ-BGDT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.Hình thức đẹp, có nhiều tranh minh họa bài học, sách in nhiều màu, chữ in chuẩn theo font vi tính, kích cỡ vừa phải. Cấu trúc bài học đảm bảo tính khoa học và yêu cầu về sư phạm. Nội dung bài học có nhiều cải tiến, tinh chọn. Ngữ liệu các bài học chủ yếu là những kiến thức thông dụng, gần gũi với cuộc sống của đồng bào Chăm. Các từ khóa,câu khóa, câu ứng dụng, các bài tập đọc đã vận dụng những câu thơ, câu văn, ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ của đồng bào Chăm, có nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày của học sinh Chăm.
Hội thảo đề nghị nhà xuất bản cần chỉnh sửa một số sai sót do lỗi kỹ thuật trong quá trình in ấn, thay một số tranh chưa thể hiện được bản sắc đặc thù của đồng bào Chăm. Bộ giáo dục và Đào tạo cũng cần định hướng việc sản xuất đồ dùng dạy học, biên soạn các loại sách công cụ, sách đọc thêm, dạy thêm tiếng Chăm.
Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 03/11/2011 của liên bộ GD-ĐT,bộ Nội vụ, bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Thủ tướng chính phủ qui định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ mở ra một hướng đi mới, tích cực hơn trong công tác dạy học tiếng dân tộc nói chung, tiếng Chăm nói riêng.
Lộ Minh Trại
(Phòng GDDT- Sở GD-ĐT Ninh Thuận)

No comments: